13


Hạnh Phúc, Mi Trốn Nơi Nào?


Hạnh phúc là cái gì? Hỏi thì dễ mà trả lời không sao cho trôi.
Người bịnh ăn được nửa chén cháo, là thấy hạnh phúc nhóe lên trước mất, kẻ tù nhớ thuốc hút, vớ được đớp được một hơi hít là có thể quên hết nỗi dày vò xác thịt. Và đại phàm hạnh phúc qua rồi mới ước lượng được chân giá trị. Khi ấy thì đã muộn...
Như tôi, giá thử tôi không có dục vọng nhiều lúc bé, và chớ chi tôi sớm biết an phận tuỳ duyên, thì tôi đã thảnh thơi biết mấy? Vợ có vợ đẹp cha mẹ sẵn cưng chiều, tiền của có dư, đến có thừa để mua sắm đồ cổ, đồng lương thơ ký khoảng năm 1930 cho đến 1945, tôi lãnh mỗi tháng có trên một trăm năm chục bạc; thêm vào đó tôi lại có tiền lúa ruộng bên vợ trước, chia mỗi mùa, đổ đồng phần gia tài ruộng Hoà Tú hai ngàn công (200 ha), hoa lợi năm thất cũng như năm trúng, bù qua chế lại, lúa bán ra tiền mặt có trên năm sáu ngàn đồng bạc trắng, khỏi nặng nhọc dan nắng dầm mưa đi góp lúa ruộng, vì đã cô các anh vợ gánh vác việc nầy.

Thế mà lúc ấy tôi lại dại dột chạy theo bả vinh hoa để gặp nhiều nỗi đắng cay, thi rớt lên rớt xuống, càng rớt tôi lại càng say máu ngà định thi mãi cho đến chừng nào đậu cho chúng biết mặt, họ thi mánh lới mình thi “tay không” mà đậu được thì mới khoai. Có ngờ đâu tôi bị lâm trong giấc mê đồ, lúc hăng say tranh đua với chúng bạn thì đều đui mù như nhau cả, nay tỉnh ngộ mới rõ lại cây cầu đã qua nó gồ ghề tức xóc làm sao? Nhưng cũng may!

Tuổi trẻ là tuổi mau quên. Mặc dầu thi rớt, tức là lòng không toại nguyện, nhưng ngủ một đêm sáng ngày thức dậy, vung vai là quên hết sự đời, tôi lúc nhỏ ngây thơ tự ví và thấy mình như một tấm gương còn mới, chưa lắm bụi nhiều. Khi gặp một hoạn nạn ví như tấm gương bị hà hơi, bất quá hoen ố một đôi phút, hơi hà bay đi, tức khắc gương trở lại tỏ rạng như cũ, không hề hấn chút nào.

Chuyện cũ đã qua rồi từ lâu, nay nghiệm ra mới thấy... Những ngày chưa nhiễm bụi của tuổi xuân, đó là nguồn hạnh phúc tràn trề tiếc thay lúc ấy tôi không biết tận hường. Đến nay đã gần đất xa trời, nói theo ngôn ngữ Pháp, “đã có một chân thòng vào huyệt mộ”, đến từng buổi nầy còn nai lưng kệch ngồi đánh máy lóc cóc để ghi chép lại chuyện xưa, khi ấy mới thấm thía hối tiếc xâu chuỗi ngày xanh vô tư lự. Nhưng sự đã rồi và xuân thì luôn luôn là “bất tái lai”. Tỉ như những chuyện xảy ra sau đấy, vốn lẹ như chớp, tuy vậy lần tay tính lại, đã hơn mấy chục năm dài đằng đẵng.

CHUYỆN SỐ 1 - ĐI DU LỊCH TRÊN ĐẤT NAM VANG, TỪ 31-12-1938 ĐẾN 2-1-1939 ĂN XÀI HUY HOẮC TRONG BA NGÀY, TỔNG CỘNG HAI MƯƠI BẢY ĐỒNG BẠC (270$00):

Nhắc lại lúc ấy tôi làm việc tại toà bố Cần Thơ với phận sự là “đứng bàn ông chánh”, tức làm bí thư và thông ngôn cho quan chủ tỉnh (ông Colas). Đây là một chỗ “thét ra lửa, mửa ra khói”, nếu có lòng tham nhũng thì tha hồ làm mưa làm gió, vơ vét của phi ngãi với chuyện không nói có chuyện có nói không. Nhưng ông Colas, phải nhìn nhận là thanh liêm, và riêng tôi, lại sẵn tánh ỷ giậu và muốn được trong sạch, nên thầy trò tôi rất xứng; ông ngay thẳng tuy tánh nóng; tôi thì trực ngôn và mau quạu, nhưng trong tỉnh nói chí đáng đều có cảm tình tốt, quan yêu dân chuộng, anh em bạn kính vì. Trong số anh em đồng liêu, có anh Huỳnh Văn Diêu, làm việc bên sở Tạo tác, là tương đắc lắm. Thứ năm 29 tháng chạp Tây, tôi thảo bức thơ cho chủ tỉnh ký tên gởi đi các quận và ty sở, cho hay dịp Tết dương lịch năm nay, tham biện Colas miễn tiếp tân như hằng năm. Đây là một lệ mới để tránh việc đội mâm và lánh nạn chầu hầu nịnh hót.
Trưa thứ bảy 31-12, dùng cơm vừa xong, có anh Diêu lại rủ vợ chồng tôi cùng đi với anh lên Nam Vang xem hội chợ nhơn dịp lễ tâng tốc Miên, tức là lễ đưa nước về biển sau khi làm mùa đã xong (như lễ kỳ yên bên ta) và để đầu mùa mưa sau sẽ dâng lễ óc bốc là lễ rước nước từ nguồn chảy xuống để khai điền (như phong tục ta đã có), vào dịp đầu năm mở mửa canh tác. Chiếc xe Xi-tô (Citroen) bảy chỗ mà chở đến tám người: hai vợ chồng anh Diêu, bà quản thủ điền địa Guétet và cô ái nữ ngồi đàng trước, phía sau bốn người gồm ba phụ nữ: bà đốc công Bính, cô Hai Cái Răng, và vợ chồng tôi chen nhau ngồi tuy chật nhưng khi xe chạy lại thấy dễ chịu hơn đi xe đò. Lúc ấy giá xăng chỉ có hai cắc ngoài một lít, còn về nhơn vật miễn có giấy căn cước bìa vải đen năm cắc mỗi tấm (titre d identité cho toàn Đông Dương) là tha hồ chạy bon bon trên đường tráng nhựa, dẫu lên tới biên giới gần Tàu gần Thái Lan cũng không một ai ngăn trở. Ban đầu hai tôi từ chối, nhưng nói cách mấy cả đoàn không nghe, túng thét hai đứa xách một tay xách nhỏ y phục gọn rồi lên xe chạy thẳng. Xe qua đò Néach Luông rồi tới Nam Vang, thì không còn một phòng trống nơi các khách sạn, quen gọi nhà hàng Tây, buộc lòng phải ở tạm nơi một khách điếm Tàu, chen nhau nằm một giường và một bộ ván ọp ẹp, chung nhau chịu cho muỗi thiêu rệp đối suốt mấy giờ không dám cục cựa, vì ngoài vợ nhàn sát da là hơi thở của bạn vợ, bà đốc công, bà quản thủ, và một cô gái ngây thơ. Nửa đêm, mượn cớ đi đổi gió, anh Diêu và tôi để cho các bà ngon giấc, chúng tôi thay y phục lấy xe chạy qua phòng một cô gái Miên nơi khách sạn Pháp, tưởng rằng gặp của lạ, ít nữa là “con mái hạng sang” trong hoàng gia “nhảy dù”, suốt đêm cô trâm tiếng Miên nghe giòn tai, tiếng được tiếng mất đến sáng ngày trả tiền sòng phẳng, chia tay nhau cô mới thú thật là người Sài Gòn đổ bộ lên Nam Vang kiếm mồi, gọi là “thả cầm thơ, giang hồ lưu lạc cho biết mùi phong lưu”.
MỒNG MỘT THÁNG GIÊNG TÂY (1-1-1939) TRÊN KIM BIÊN THÀNH
.

Vừa lang tảng sáng, chúng tôi lội về chỗ trọ, đánh thức các bà, được tiếng khen hào hiệp nhường giường cho ngủ, mà không biết chúng tôi đi ăn vụng lội lỗi tày trời.

Bảy giờ có người trả phòng, chúng tôi dọn qua và yên trí yên nơi yên chỗ. Trọn buổi sáng, chúng tôi thả xích phê vô tích sự tấp các nơi danh lam thắng cảnh trên Nam Vang từ thành vua ở đến các xóm Việt Nam kiều bào, từ Chợ Mới xây chia ra bốn hình như một ngôi sao bốn kiềng, đến các phố khách buôn bán tấp nập, đường Bon (vì ngay cây cầu “pont”) đến vùng tân lập, xáng vét bùn thổi cát lấp một bãi lầy và tạo lập Xóm Mới Chruoy Chângva (Chui Chần Hoa) đối diện với kinh thàh cũ xứ Miên thơ mộng. Thuở ấy là thuở đại thái bình, huynh đệ nhứt gia, người Tàu là “chênh” (Thanh nhơn) được ban cho mỹ hiệu là “check” (các chú) và Việt kiều ta là “bòn” là “bon” (người anh cả, “đại huynh”, người trên trước, trường thượng).

Để lấy lòng chủ xe, bất đầu sau buổi ăn sáng “hủ tiếu Nam Vang” xóm đường Bon, và “lạp xường” (lạp xưởng, lạp trường nói trại), chúng tôi đến nhà thờ xem lễ, vì anh Diêu và bà Guéret là người ngoan đạo, còn tôi mặc dầu là ngoại đạo, nhưng chỗ nào cũng vụ tất, kính Chúa như kính Phật, kính Lão-trang. Xem lễ xong, chúng tôi thả vô thành vua xem hội chợ (kermesse). Nơi đãy tôi mua được một hũ nhỏ loại đựng ngải, men ngọc céladon Tống, giá một đồng rưỡi (1$50) (Hũ nầy ghi số mục lục 87), sau tôi bán cho anh bạn Nguyễn Văn Minh ngày 29-8-1973 không biết nay anh còn giữ chăng?
2 THÁNG GIÊNG TÂY 1939

Sáng trở vô thành vua, viếng chùa Bạc chùa Vàng. Gọi làm vậy vì nền chùa lát bằng bạc nguyên chất, lấy mỗi nén mười lượng, cán mỏng đánh vuông lót nền. Mỗi lần rửa ráy, chỉ dùng toàn nước dừa tươi cho được tinh khiết; tuy vậy khi bước chân lên đó, tiếng nghe lộp xộp y như tiếng chân đi trên mái thiếc, vì bạc không dày và cũng không dính khẳn chắc chắn như gạch đất nung gắn bằng xi măng trên nền đất bằng phẳng.

Nơi chánh điện có thờ một ông Phật đứng, kim thân bằng vàng ròng nguyên chất, bề cao lối một thước, một thước mốt Tây (bằng cỡ một trẻ mười tuổi). (Không biết ngày nay có còn tồn tại?).

Thuở binh Nhựt đổ bộ lên Nam Vang (khoảng năm 1942-1943, trước đảo chánh 1945) không biết Phật ra thế nào? Lúc tôi thấy, thì trên mình Phật có gắn sáu hột kim cương lớn cỡ đầu ngón tay trỏ chói loà đổ hào quang, một hột ngay trán, hai hột nơi linh nhãn, một hột mỗi bàn tay xòe tới trước và một hột lớn nơi ngực chỗ tim. Không kể sáu hột xoàn nầy giá trị ngày nay ước trên bạc tỷ, nếu ta đánh giá thử chơi số vàng một trăm hai chục ký lô tức tính theo lượng (37gr25) là 3221,47 lượng, nếu giá ngày nay mỗi lượng là 170.000 bạc, thì kim thân Phật, (không kể kim cương), trị giá theo hiện tại 5.476.499 đồng (bạc Việt Nam năm 1975).

Các món bảo vật khác trưng bày trong chùa là một ông Phật bằng ngọc thạch ngự trên toà sen đặt trên cao gần tới nóc. Đức Phật nầy, thân bằng ngọc bích màu xanh biếc chói sáng trên đỉnh cao, nhưng nghe nói không quý bằng một cổ Phật khác cũng bằng ngọc bích cao độ sáu bảy tấc và trước kia đã bị Xiêm binh tịch thu làm chiến lợi phẩm và mang về nước họ sau một trận giao binh mà thất bại về phần Cam-pu-chia quốc vào một thời xa xăm không nhớ được. Nghe nói vì mất Phật nầy mà nước Miên suy bại...

Cũng trong chùa còn tàng trữ một báu kiếm đã có từ đời Đế Thiên Đế Thích (nay còn chăng?). Kiếm nầy tượng trưng chợp ngôi báu vĩnh cửu của Miên Hoàng dòng Norodom (ta quen gọi là ông Hoàng Lân). Ngoài ra còn vô số báu vật khác toàn bằng vàng chế tạo ra chén bát, tô mâm, đếm không xiết vì chất chồng lên nhau và bày la liệt trong một tủ gỗ quý rất lớn, mỗi món đều nhuộm “màu vông” là màu ưa thích của dân tộc Miên, tức màu đỏ bầm của hoa vông. Vả chăng người Miên theo cổ tục vẫn ăn bốc bằng tay, cách dùng đũa chén là tiêm nhiễm theo tục Hoa-Việt, người dân thì ăn thúng mủng vùa, chén đất, người sang, vua chúa thì xa xỉ quá lẽ, dùng chén vàng chén bạc, mà mỗi lần có chiến tranh những báu vật ấy đều bị nấu ra kim khí đổi lấy tiền mua sắm khí cụ nuôi binh, mua ngựa, nên đồ từ khí cổ ngày nay không còn lại mấy.

Trên Nam Vang, nơi hoàng cung lúc tôi đi viếng, vẫn bày la liệt đồ vàng đồ bạc mà không sợ mất cắp vì người dân trong nước vẫn xem các món ấy là báu vật chung trong nước, họ không bao giờ có ý nghĩ đánh cắp hay chiếm đoạt làm của riêng. Ngoài ra các Miên vương vẫn rất xa xỉ và để phô trương sự giàu có, các vua nầy thường gắn hay nạm kim cương và châu báu trên các đồ ngự dụng.

Trong chùa còn trưng bày ấy chiếc mũ dạ đen của đức Norodom có gắn một viên kim cương to tướng, thậm chí những vật dùng hằng ngày của đức vua nầy từ cái ống phóng cũng bằng vàng, cây gậy cầm tay cũng bằng đồi mồi gắn hột xoàn chói lọi. Về cà-rá đeo tay, vòng tay, vòng cổ và kiềng cẳng của các bà Miên hậu để lại cũng bằng vàng hoặc ít nữa bằng đồng thoà tức vàng có pha bạc và pha đồng. Đồng thoà vả chăng là một kim khí được người Miên trọng dụng nhiều hơn vàng là khác. Nơi Viện bảo tàng lúc đó còn gọi là Musée Albert Sarraut, tên một toàn quyền Pháp chầu xưa cũng thấy trưng bày các vật dụng như cộ vua, ngự xa, kiệu rước quốc vương, đều chế tạo bằng gỗ quý, kiêu sa không chỗ tả, ví các con lon con tiện trên những vật dụng nầy đều làm bằng ngà, hoặc bằng sừng lên nước vàng lườm hoặc đen mun bóng lộn.

Chúng tôi viếng lần chót các viện nầy thì đồng hồ đã chỉ tám giờ sáng. Chúng tôi lên đường trực chỉ về Cần Thơ, nhưng phen nầy đi ngả Kampot (Cần vọt) để biết thêm một mớ địa danh khác, nhứt là để biết con đường mới khai phóng nối liền Hà Tiên qua Rạch Giá. Dọc đường ghé bãi Kép lắm biển, rồi dùng cơm nằm dưới triền núi, thức ăn đã cụ bị sẵn khi còn ở chợ Nam Vang. Đến Hà Tiên, chúng tôi còn ghé viếng núi Tô Châu, xem Thạch Động, rồi thả vô chợ phố viếng nhà nuôi đồi mồi sống, đoạn chạy một mạch trên đường Hà Tiên-Rạch Giá, vừa ăn lễ khánh thành cách chẳng bao lâu. Đường thẳng như dây thép kéo, cảnh hoang vu không một bóng người và nhà cửa, một bên và con kinh xáng mới múc, khai thông một khu rừng có tiếng là cô quạnh sình lầy vô dụng, một bên là cây cối giăng giăng bất tận, toàn là cây tràm cây giá và cây đước cây vẹt, khu lâm sản vốn ít ai khai phá và vẫn còn đầy huyền bí dưới danh từ “rừng già” đầy muỗi mòng, thú dữ như cọp voi và chim cao lớn như bồ nông thằng bè. Khi ở Rạch Giá chúng tôi còn đủ thì giờ viếng chợ và toà bố tỉnh lỵ, nơi ngày xưa danh nhân Nguyễn Trung Trực thọ hình. Chúng tôi ghé miếu thờ cá ông, mua tại chợ mớ nhấm tỏi ngâm giấm Hạ Châu và khô cá gộc về làm quà biếu bà con, rồi chạy thẳng thét tới Cần Thơ, ai về nhà nấy, thì đồng hồ chưa gõ chín giờ tối.

Ba ngày vui say với xứ lạ, ăn xài không kể, mà khi tính sổ, phần vợ chồng tôi như đã nói nơi đoạn đầu, chỉ tốn có hai mươi bảy đống bạc (27$00), so sánh lại với ngày nay, mới thấy thời buổi ấy, sống như trên thiên đàng mà nào biết đó là chín hạnh phúc.

Nhưng lạc cực sanh ai. Về nhà, tắm rửa thay y phục lên giường nằm, nghe lói lói bên hông, biết đã muộn vì mê ăn nhiều lạp xường và thức ăn nhiều dầu mỡ của xứ Chùa Tháp có nhiều bùa ngải. Kết quả phải nằm nhà thương Cần Thơ nửa tháng (bác sĩ điều trị là Dr. Piloz và ông bạn Nguyễn Duy Chi).
Ngày 20 tháng giêng, thầy thuốc cho ra nhà thương và biên giấy cho nghỉ dương bịnh mười lăm ngày Lúc nằm tại đường đường, cân chỉ còn 48 kí-lô, phương pháp điều trị bịnh gan bằng mười mũi emétine (thổ căn tinh) và ba mũi thuốc 914, làm sụt mất cỡ gần mười ký.

Ngày 21, Ba tôi ở Sốc Trăng lên, cùng đi với vợ chồng tôi ra Cấp đổi gió. Ngày 29, trong mình đã hồi phục, đi xe một ngựa với Ba, một vòng chín núi Gành Rái xem phong cảnh và địa thế Vũng Tàu. Ngày 30, Ba mua thịt quay và bánh mì đem ra bãi vừa ăn vừa xem đánh cá. Ngày 31 là ngày chót, cha con đoàn tụ nơi vùng mát mẻ thảnh thơi nầy. Ngày 1 tháng hai, lên xe đò hãng Pháp gọi Compagnie de tramway, trực chỉ Sài Gòn, đi ngang chợ Biên Hoà ghé mua ba chục bưởi Thanh Trà giá có hai đồng bảy cắc (Năm 1975, khi chép bài nầy, trái bưởi xứ anh Bình Nguyên Lộc đã lên giá trên hai trăm đồng một trái). Có lẽ mắc hơn thì hẳn, nhưng làm sao ngon ngọt bằng thuở thanh xuân, lúc Ba tôi còn sanh tiền. Xe đến bến Sài Gòn là 9 giờ ngày 1 tháng 4. Ba lên xe về luôn Sốc Trăng.

Ngày 2, chúng tôi còn nán lại Sài Gòn để ngày mồng ba dương lịch, tức rằm tháng chạp năm Kỷ Mão, khách trú Trần Tứ, nhà ở số 107 hẻm số 15 đường Chaigneau (nay là đường Tôn Thất Đạm) nài bán một xâu chuỗi ngọc thạch ba chục hội màu xanh biếc trong trẻo không một chút tỳ, giá sáu chục bạc (60$00) xâu chuỗi nầy, giá thử nay còn, giá bán không dưới năm trăm ngàn đồng (500.000$00), khi kể lại làm vầy không phải tôi lẩn thẩn mà tình thiệt muốn đánh dấu sự sai biệt của đồng bạc thời bình ngày xưa và thời bấp bênh hiện tại. Ngày 6 tháng hai, trở vô làm việc lại vì đã mãn phép, con bò kéo xe chưa hết kiếp, biết sao? (Tiền xài ở Cấp từ ngày 21-1 đến mồng một tháng hai thêm tiền xài ở Sốc Trăng từ 1 đến 5 tháng hai, chỉ có 195$00). Thiệt là rẻ mạt!


13 (tt)
Hạnh Phúc, Mi Trốn Nơi Nào?


CHUYỆN SỐ 2: THÁNG HAI DƯƠNG LỊCH 1940 (NĂM TÂN TỴ) ĐI VỚI BA TÔI LÊN VIẾNG CẢNH ĐẾ THIÊN ĐẾ THÍCH, TIỀN XE TIỀN CƠM VÀ TIỀN PHÒNG TÍNH CHUNG, HẢI NGƯƠI TỔN PHÍ LÀ NĂM MƯƠI HAI ĐỒNG (NHẰM HAI MƯƠI SÁU ĐỒNG MỖI NGƯỜI).
Trước khi đọc bài nầy, nên tìm xem lại trong tập “Hồi ký năm mươi năm mê hát”, trang 124 tôi kể về đêm 6-1-1940 đi xem diễn tuồng cải lương “Tơ vương đến thác”, tức tuồng La Dame aux camélias của Pháp và xem luôn trương 139, khi tôi nhắc chuyện ngày chúa nhựt 5-5-1963 tại Paris, tôi viếng mộ người ân nhân trước giúp tiền cho tôi dựng nhà, nhưng hôm ấy không gặp mộ bà lại gặp mộ nàng Kiều của Pháp là nàng Alphonsine Plessis, tức Marie Duplessis, tức Trà hoa nữ “La Dame aux camélias”, mỹ nhân bạc mạng trong Tơ vương đến thác).

Ngày 7-2-1940 đúng là ngày 30 Tết năm Canh Thìn. Ba tôi phá cổ lệ không ở nhà giỗ quải ông bà vì đã giao việc nầy cho em trai tôi ở nhà coi sóc. Ba tội từ Sốc Trăng lên Sài Gòn trước một ngày và khuya rạng ngày 7-2 cùng với tôi ngồi xe kéo chạy lên hẻm Cây Điệp đường Phan Đình Phùng, lúc đó còn gọi là đường Richaud, đến nhà anh bạn quá cố là giáo sư Nguyễn Văn Hanh, biệt hiệu là Đức Lang, để gia nhập phái đoàn du lịch Đế Thiên do anh tổ chức và đài thọ cả tiền ăn tiền phòng và tiền xe phiếm du, cả thảy bốn ngày đi và về mà anh chỉ lấy mỗi người có hai mươi sáu đồng, vị chi Ba tôi và tôi chỉ tốn có năm mươi hai đồng mà biết được xứ Chùa Tháp và cảnh thần tiên Đế Thiên Đế Thích của xứ Căm-pu-chia thơ mộng. Lúc đó nào có vấn đề thiết quân luật du khách và người trong bán đảo Đông Dương muốn xê dịch xứ nầy qua xứ kia chỉ tuỳ thân một thẻ căn cước của tổng nha cảnh sát là đủ và thường lấy đêm làm ngày, xe đò chạy ban đêm cho mát mẻ, đỡ tốn nhiên liệu, rủi ro xe chết máy cũng không sợ nạn cướp đường và “ma cỏ” nhát hù. Tuy có giao hẹn chắc chắn là bốn giờ khuya xe phát chạy cho lợi thì giờ, vì đường Sài Gòn lên đến Xiêm Rệp (Siemréap) là xa không thua Sài Gòn đi Huế, tuy hẹn làm vậy nhưng bộ hành tề tựu đủ mặt mà mãi chờ xe đến đồng hồ nhà thờ Đức Bà đổ năm tiếng, chuông kiểng reo điếc tai mà chiếc xe đò do anh Hanh mướn vẫn chưa thấy dạng. Mãi hơn sáu giờ sáng mới thấy xe ló mũi ở đầu đường, không đợi mời, hành khách tuôn ào lên xe mặc ai nấy tìm chỗ ngồi và xe bắt đầu lăn bánh. Trong số du khách là ba chục người, theo tôi biết nay chỉ còn sót lại không hơn năm ba người, như anh Như Cảnh nhà báo, ông Đỗ Phong Thuần biệt hiệu Long Giang và tôi đây, còn bao nhiêu người khác đã ra người thiên cổ như tiên nghiêm, cố bác sĩ Trần Văn Minh trước có làm chủ một gánh hát cải lương ở Sốc Trăng, Giáo Dùng, Hoá nhiếp ảnh viên ở Đất Hộ, một sinh viên tên là Nhẫn, cô Bảy Quang ở gần ga xe lửa Đất Hộ, không kể bà chủ xe đò và gia đình anh Hanh và mấy cô gái ngây thơ nay đã trở nên mạng phụ con cháu đầy sân.

Xe chạy dọc đàng gặp đủ thứ trở ngại: quẹt vè với xe buýt, gẫy nhíp, bị cò phạt, tuy vậy vẫn cà rịch cà tang chạy không ngừng mỗi khi sửa chữa xong. Xe đến chợ Nam Vang, tuy bụng đói mà không dám khuyên xe đậu lại ăn cơm vì quyết tranh thủ với kim đồng hồ và muốn lên cho kịp đến nơi đến chốn hơn là nằm đường nơi cảnh lạ quê người.
Sáng ngày 8-2, đến bốn giờ rưới sáng thì xe mới lết tới Siem Réap. Mặc dầu khuya khoắt, anh Hanh chạy đi kiếm khách sạn đã dặn chỗ trước, và chia ra bốn người chiếm một phòng. Ba tôi và tôi được sắp ở chung một căn phòng với ông bác sĩ Minh và một người Bắc tên là ông Bùi. Dọn cơm ăn hối hả ngon quá vì nhịn đói trọn ngày, vừa buông đũa là nằm một phút sải tay chân vì ngồi một ngày thẳng thét gần đứt xương sống.

Tuy vậy, không ai nhắm mắt, vì bữa nay là ngày mồng một Tết và ai ai cũng nóng lòng viếng cảnh ước ao hơn là nằm ngủ dưỡng sức... Đồng hồ vừa gõ bảy giờ là anh Hanh đã gõ cửa đánh thức mọi người, mời thay y phục gọn và xuống lầu dùng điểm tâm để còn viếng cho kịp Angkor-thom, tức đền Đế Thiên. Xem xong điện nầy là lật đật chạy xe đến Angkor-wat tức điện Đế Thích, (“wat” có nghĩa là chùa). Đến nơi đây gặp vừa đúng ngọ, sẵn cây cao bóng mát, bèn tổ chức một bữa cơm trại. Bánh mì thịt nguội đã mua sẵn ở Câu lạc bộ, tránh được khỏi mất thì giờ chạy về chợ ăn cơm tiện cao lâu xứ nghèo và quê, bán giá cắt cổ, chỉ đặc biệt không tính tiền mớ ruồi xanh đông vô số kể. Đến ngày nay còn nhớ bữa cơm ngon miệng ngày ấy giữa cảnh rừng già hoang vu và đồ sộ các tượng đá vách đá rêu phong ngàn năm cổ kính. Cơm xong ngả lưng nhìn trời và vòm lá xanh tươi, lòng lâng lâng tưởng chừng như thoát tục, nhưng nhớ lại hết ba ngày viễn du nầy thì kiếp con bò kéo xe, cạo giấy làm mọi Tây vân còn dài dặc. Nhưng tuổi trẻ không nghĩ xa, vui đâu chúc đó, hãy tận hưởng những giờ phút hạnh phúc không tốn tiền nhiều nầy rồi sẽ hay. Tổ chức khá chu đáo mà chi tiết nhỏ lại quên, ra đi trọn ngày mà không nhớ cụ bị nước uống, cả quan khách đều khát và thèm một giọt nước mưa thắm giọng, nhưng đành nhịn uống nước địa phương. Tứ bề vắng teo toàn là rừng xanh với mấy cây dây leo dị tướng thân lớn bằng cột nhà uốn khúc bám sát vào vách đá rêu phong như những con khủng long hay mãng xà trong các truyện truyền kỳ quái lục. Đây là một loại dây rừng, ban đầu là một hột nhỏ lách tử một trái bé đã khô, hột nhỏ chứa trong trái có cánh, bay khắp rừng, thoạt xé bung ra muôn vạn hột nhỏ văng xẹt tứ tung, hột nào rơi rớt nào không trung vô định thì không kể, hội nào tốt phước rơi và o kẹt đá, hố vách thì ở lại đó, hoặc vì nắng cháy sẽ hư đi, hoặc tốt phước hơn nữa rơi trúng địa thế thuận có một chút nước đủ ướt để mọc mộng rồi cái mộng lớn dần, thoại đâm rễ trổ lá, thế là thành công, sẽ đoạt quyền tạo hoá, sẽ thắng những tảng đá khổng lồ do tay thợ lành nghề các đời đế Suryavarman xây dựng, và triền miên bồi đập trong nhiều thế kỷ liên tiếp từ thế kỷ thứ IX đến XII. Hột nhỏ loại cây da cây dừa, cây fromager, cây vông Khơme nếu ta tìm hiểu trong loại sách Mác-xít, Freud, Sartre) là loài cây phá hoại, đã xô ngã đền đài Đế Thiên Đế Thích, báo hiệu cho chế độ tân tiến, những gì tưỏng là lâu bền của thời kỳ đế quốc phong kiến đều không tồn tại với “hột cây bé nhỏ” nhưng có chí kiên gan đoàn kết của nhân lực đợt sống mới ngày nay. Chung qui cũng nhờ nhẫn nại và hơi nước sương mưa nhiều đời tiếp lực.
Nhưng triết lý ở đây là thừa. Chúng tôi la cà dạo chơi ngấm nghía cho đến bốn giờ chiều là lên xe cho chay vòng vòng thường tận cảnh mặt trời vừa mọc, cảnh trời đứng bóng, cảnh hoàng hôn trời sập tối, cảnh trời vần vũ mưa, quá nhiên phong cảnh những đá lál meo mốc nầy đều thay đổi biến hình mồi giờ mỗi phút như chiếc áo thần muôn màu nghìn sắc và thiên biến vạn hoá. Chúng tôi rất tiếc không mục kích được cảnh Đế Thiên Đế Thích viếng giữa đêm khuya có trăng sáng, hoặc khi đốt đuốc dạo chơi dưới mái điện âm u có bầy dơi quạ bay sát vào mặt sè cánh, vuốt tóc người lữ khách hiếu kỳ như những bàn tay ma của các cung nữ, các vũ nữ có hình chạm trổ trên vách đá. Theo văn hào Pháp Pierre Loti đã tả những khoảnh khắc ấy mới là thần kỳ thoát tục và khêu gợi vô song. Vả chăng nền điện đều bị cạy xeo để tìm châu báu, nay chỉ còn nền đất dưới lớp cứt dơi dày cả tấc, hôi hám nực nồng mùi nước đái quỷ “ammoniaque” nhiều đời tích tụ. Mặc dầu đến đây mến cảnh, mến cổ thời, nhưng anh giáo Hanh dạy chúng tôi thực tế là hơn và để đỡ tốn tiền xăng nhớt, đã hối chúng tôi kíp về phòng trọ, nghỉ ngơi dưỡng sức để ngày mai sẽ hay. Chiều nầy ăn cơm sống và đêm ngủ lạnh rét da, nhưng không ai phàn nàn.
Qua bữa sau 9-2 (mồng hai Tết) theo chương trình là đi xem Angkor Wat (Đế Thích) và xem hai vòng lớn nhỏ cảnh vòng thành hoang tàn, Pháp gọi Grand circuit ét Petit circuit, nhưng xe hư sửa đến trưa mà không chạy. Mất thì giờ vô ích, các du khách cực lực phản đối, bà chủ xe nóng ruột xuất tiền mướn một cỗ xe camiông của người Thổ, chở đi một vòng lớn nhưng không ai còn hứng thú.
Đây cũng vì ít tiền và tổ chức không chu đáo. Nhưng biết trách làm sao, khi anh giáo Hanh phải sống, phải hạn chế để có lời? Buổi trưa nhờ biết tiên liệu nên cụ bị đem theo một con gà rô-ti và mấy ổ bánh mì, chẳng những khỏi vất vả, lại ngon miệng và thêm được xã giao với bạn bè mới quen, nhứt là cô Bảy Quang không bao giờ từ chối. Ít mệt mỏi như ngày hôm qua... Đêm nay về phòng, bàn bạc riêng và tổ chức sáng mai một cuộc thăm đến Banteat Srev với bốn bạn mới kết giao; Cô Bảy, giáo Dùng, anh Như Cảnh, sinh viên Nhẫn, sẽ cùng đi với Ba và mình. Tiền mướn xe mỗi phần không hơn mười đồng bạc, và được ngồi xe Cïtroën bảy chỗ ngồi sướng chán. Thêm được biết một cảnh trí không có ghi trong chương trình tổ chức.

Mông ba Tết (10-2-1940). Vừa bốn giờ sáng, xe đến, vội vã ăn lót lòng hấp tấp rồi lên xe trực chỉ Banteai Srev. Đây là một cổ điện do đức Phật vương trong sử Miên tôn lên hàng guru royal, mỹ hiệu là Yajnavaraha truyền xây dựng từ năm 967 Tây lịch, tính đến nay đã hơn một ngàn năm. Không biết với nạn chiến tranh hiện thời, cổ điện nầy có còn lồn tại hay đã mất mát tang thương nhiều thì đáng tiếc thật, vì Banteai Srey so sánh với Angkor như viên ngọc quý so với đá thường, nói cạch khác Banteai Srey khéo như một món nữ trang đặc chế do người kiến trúc thượng hảo hạng đặt tay vào, còn Angkor mặc dầu là một pho kiến trúc kiệt tác nhưng vẫn do nhiều thợ hiệp công xây dựng, chỗ khéo chỗ vụng không đều, có thể ví Banteai Srey là đồ đặt đối với Angkor là đồ hàng, Banteai Srey là mỹ phẩm ngự chế, Angkor là phẩm vật tầm thường dân dụng và loại đồ đặt đối với đồ ngang đồ đàn, khác biệt rất xa. Tôi không tiếc lời khen ngợi điện Banteai Srey, vì năm tôi viếng 1940, điện còn gần như nguyên vẹn, đứng sừng sững giữa rừng hoang nhưng làu làu như một nàng tiên bất nhiễm hiện hình giữa chốn phàm trần nhưng không vấy chút cái bụi trần ai. Banteai Srey, theo ông Louis Cheminai trong quyển Le Cambodge (Xứ Campuchia, xuất bản ở Sài Gòn năm 1960), được tìm thấy năm 1914 do một thiếu uý Pháp làm cho sở địa dư và nhà khảo cổ Marchai đã bền công tu tạo đúng theo lối anastylose, (tức giữ đúng cổ truyền không được tân tạo chế biến chỗ nào, tỉ dụ cây cột bị mối ăn, có thể đổ xi măng vào cho thêm chắc chắn mà không được thay thế bằng cây cột mới, nhờ vậy mà năm 1940 tôi gặp còn làu làu gần toàn vẹn, mà nhờ kiến trúc bằng đá đỏ lâu ngày xuống sắc đen đen giống như đồng vỏ cua lạc tinh lâu năm không khác.

Tôi còn nhớ bữa đi viếng năm 1940, tuy đã trên ba mươi năm ngoài mà rành rành như ngày hôm qua, điện ở xa trong rừng mai đang trổ, rõ ràng trước mắt cảnh “chim cúng trái”, chỉ vùng náy khô khốc còn thiếu cảnh suối chảy “cá nghe kinh”, xe đang bon bon chạy, thoạt có một bà Ăng lê tóc trắng xoá như thúng bông, thiệt là tiên phong hạc cốt, đang chống gậy đi thoang thoáng nơi đàng xa, rõ lại đây là khách ngoại quốc từ Thái Lan sang viếng đền theo ngả Battambang, nhưng trong trí tôi hôm ấy đinh ninh đó là nữ tiên hiện thân của nàng công chúa Banteai xuất hiện giữa cảnh trời tưng bừng sáng, không một chút bụi trấn (Srey có nghĩa là nàng con gái). Chúng tôi tiếc bữa ấy thì giờ cấp bách quá, không được cung chiêm kỹ lưỡng pho kiến trúc kiệt tác nầy, trong thâm tâm lấy làm lạ, và cho đến nay chưa nhà khảo cổ nào khám phá ra, - là vì sao đền nầy khéo léo thì vô song, nhưng nếu kể về kích thước thì chỗ nào cũng nhỏ bé, cửa thấp vào phải cúi đầu, kho sách thì chật hẹp, duy các pho tượng, thần đầu chim, đầu rồng, giữ hai bên mỗi cung điện đều tạc hình hùng vĩ khéo hơn các tượng từng thấy nơi những cổ điện Angkor và Phnom Bakheng, Kulen chẳng hạn. Vì kích thước hạn chế khiến có nhiều người suy luận phải chăng Banteat Srey là đền thờ hơn là điện ở. Nhưng không một ai cho đến nay dám quyết đoán vấn đề nầy.

Chúng tôi chạy xe xem hối hả không khác người đói nuốt trộng thức ăn cho đầy bao tử, tự nguyện sau nầy sẽ lừa dịp trở lại cung chiêm cho mãn nhãn, nhưng than ôi, tình thế nầy mà với tuổi nầy, ắt đành để câu nguyện kìa bất thành. Xem xong đền Banleai Srey, chúng tôi còn đủ thì giờ cho xe chạy giáp vòng những nơi hôm qua vì xe hư nên bỏ dở, như:
- Vòng nhỏ (petit circuit) gồm Angkor Wat, Phnom Bakheng Baksei - Chamkrong, và nguyên vùng Angkor Thom từ trong đền ra tới thành ngoại.
- Vòng lớn (grand circult) gồm Prah Khan, Neak Pan, Mé hon oreital. Pré Rup, Ta Prhom, Banteai Kdei, Takeo và vùng cận tỉnh Sieam Réap.
Còn một vùng lớn ngoại ô, gồm trừ Banteai Srey ra, còn có Bantéai Samré, Roluos, Ba ray Occỉdental và Phnom Khom, chính bác tài xế vì ham chút lì xì, đề nghị lăng xăng, nhưng chúng tôi tạm cho là mãn nguyện, vì phải trở về trước ngọ, giờ phát hành trở lại Sài Gòn, chớ đi mãi làm vầy chẳng qua là nuốt trộng thức ăn e sẽ trúng thực, chẳng qua là ngắm xem thật nhiều: phong cảnh thiên nhiên đất Nam Vang huyền bí, nào rừng với núi, gió với mây, hang với đèo, lạch với suối, cảnh sạn đạo đường rừng quanh co uốn khúc, nhưng sở du lịch thuở ấy đã cắm sẵn hai bên đường những bảng chỉ lộ hoặc bảng tròn hoặc bảng tam giác báo hiệu chỗ rẽ hiểm trở, nẻo tắt nên dùng để lợi thì giờ, vân vân, và làm sao xem cho hết được. Trên chuyến xe chạy về phòng, chúng tôi để ý đến những guồng tát nước, đem nước sông lên ruộng có vô số gàu nhỏ bằng tre nứa kết thành vòng tròn thật lớn chuyển động bằng sức nước dựng suốt theo bờ sông Xiêm Réap vừa đơn giản vừa tiện lợi và tiết kiệm, thêm rất nên thơ và đẹp mắt, không gàn trở làm hư cảnh thiên nhiên chúi nào. Đến những nhà sàn của thổ dân ở đây cũng rất thơ mộng, cao ráo, sạch sẽ, hạp vệ sinh, mát mẻ, con người ở đây sống như vầy ắt ít bịnh và sống thọ cũng phải. Thêm đất xứ nầy nghiệm ra có nhiều chất vôi, nên thổ nhân người nào răng cũng tết trong và thân người to và cao lớn, xem mạnh mẽ vô cùng.
Chuyến về buồn tẻ, vì người nào cũng mệt mỏi, lên xe ngủ gà ngủ gật quên chuyện trò. Xe tới bến lật đật mạnh ai nấy về, duy kỷ niệm riêng buổi đồng hành, mỗi người lại nhớ một cách khác.

Ba tôi còn ở lại với chúng tôi chơi cho đến ngày 13 tháng hai Tây, mới lên xe đò về Sốc Trăng, cùng đi với em tôi là Vương Minh Cảnh.
Ba ngày tròn ở Đế Thiên Đế Thích, hít thở không khí trong lành của cung điện vĩ đại của các quân vương tài hoa Cao Miên, thêm được vui trong lòng vì đã đưa người sanh thành ra mình viếng một cảnh người hằng ao ước bấy lâu, bao nhiêu hạnh phúc ấy mà hai cha con tốn không hơn một trăm bạc. Cuộc hành trình nầy, nếu ngày nay muốn thực hành, cũng phải cần nhiều trăm ngày bạc mà không dễ gì xong, ôi hạnh phúc, giá trị của mi là bao, đố ai biết được.

 


14

 

Chuyện Cũ "Hai Vua Mất Ngôi"



Dẫn - Tôi còn nhớ có một ông quan thời đàng cựu, nhờ sống dai nên con có bảy đứa và đã phò ba triều vua bốn triều chúa, nên làm thi, hạ câu đầu là "Ba vua bốn chúa, bảy thằng con". Tôi không làm quan cũng không nói đâu xa, chỉ sống tại Sài Gòn và ở lẩn quẩn dưới gốc dây da to ngang dinh Gia Long ngày nay, nhưng đã thấy "phế hưng mấy lớp", "Hữu đi Diệm đi” (lúc ấy có một câu đồng dao do một bà đầm thuật “Hũ bể - (Hữu), Vịm tan (Diệm), mần ăn mới khá”. Nhưng sau khi hũ bể Hữu đi, vịm tan Diệm chết, cuộc làm ăn của dân chúng miền Nam có mòi còn vất vả hơn buổi xưa. Kể về vua cận kim, trong buổi sống thừa, tôi thấy đủ mặt: Ông lưu vong trở về ngang tàng hống hách là ông Thành Thái, ông im lìm chờ chết là ông Khải Định, còn hai ông vua nhỏ kế vị, thảy còn sống và lịch sử chưa chấm dứt tôi sẽ nói sau:

Ông thứ nhứt, khi vào Sài Gòn là đã mất quyền vương vị. Đó là ông Thành Thái (Bửu Lân), ông là bóng vang một thời của Sài Gòn còn quê, chưa có đèn điện và chưa có nhà chọc trời. Ông rượt đánh sơn đá như đập chó điên, thét rồi Tây chịu không nổi, dời ông ra vũng Tàu rồi đày ông ra viễn đảo Réunion (13-5-1916).

Thoạt đi một thời gian, sau trận đệ nhị thế chiến, ông được trở về, đã trên bảy mươi tuổi, chỉ còn biết làm thơ và chửi bướng. Dân Sài Gòn thờ ơ, nhắc về ông nhiều huyền thoại. Tôi lúc ấy lại dại dột, nghe lời một bạn khuyên tôi không nên lại gần ông, "vì gần ông xui xẻo lắm, không chết cũng rủi ro, cháy nhà, mất chức hay tàn mạt". Tôi vẫn biết con người chỉ chết có một lần, và tôi đã thôi quan còn gì mất chức, không nhà sợ gì cháy, và nếu có đi sớm lại càng hay, còn tàn mạt thì khi bỏ xứ bỏ nhà chạy lên đây, chẳng tàn mạt là gì nữa? Sở dĩ tôi không gặp ông là tại tôi quá vất vả chạy gạo không đủ ăn, lấy thì giờ đâu đi yết kiến một ông vua phế đế? Bỗng nghe tin ông mất tại Sài Gòn (20-3-1954) quan tài chở về chôn tại Huế, thì đã muộn, còn gì thấy mặt "long nhan"? Tôi xin ghi lại những gì đã nghe:

Một tin cho rằng khi vô đây, ông có đem theo nhiều trân ngoạn và đã cho chác những bà chung quanh như Cô Ba Ngoạn (chủ gánh hái bội), bà Tám Đội (chủ một gánh hát bội khác) v.v..., sau tôi hỏi thăm lại thì những của ấy cũng không đáng gì là báu và đã quy tụ về nhà một bà sưu tập danh tiếng là bà Đốc phủ Hà Minh Phải.

Một tin nữa đồn rằng khi ông viếng lăng Tả Quân trong Gia Định, ông có nói: “Nó lạy ta chớ ta không lạy nó? . Đó là ông còn nhớ cảnh vua tôi và cũng là nói gượng. Lạy lục lễ bái không đáng kể, danh còn tồn tại với thời gian mới đáng kể hơn. Nhưng có phải ông đã thốt ra lời nói gàn kia không? Việc chưa chắc không nên vội phê bình.

Một tin đồn cũng vô căn cứ hay là bịa đặt? Rằng có một phu xe kéo, ngày nọ gặp tại trận phế đế đang vạch cu đái bên lề. Anh phu lật đật tìm bọn huyện đề đưa một số tiền “anh biên cho tôi đánh con rồng”. Quả đề xổ rồng và anh trúng lớn. Hỏi duyên do, anh nói: "Thấy đầu rồng hay đầu con c. mấy thứ!” Tôi nghe mà đâm sợ ngay cho những sự nghiệp xây trên huyền hoặc, dị đoan.

Một tin nữa, cũng cần điều tra lại. Đồn rằng lúc ông trớ về ẩn cư tại đất Ô Cấp Vũng Tàu, lối sau năm đảo chánh 1945 và trước năm 1954 ông Diệm về, thuở ấy tại Cấp có một tên cai mã tà dựa hơi Tây rất hống hách, húng hiếp đồng bào như cơm bữa. Việc đến tai, ông quở: “Nó chết có ngày?". Quở chưa bao lâu, quả một sáng nọ thấy thi thể tên cai nằm sóng sượt, trên đầu có mấy lỗ đạn rỉ máu. Không cần biết lời vua linh ứng, chỉ nên hiểu gieo gió gặt bão, ác lai ác báo, ở chẳng ai thương thì đoản mạng đáng kiếp. “Nó chết có ngày!". Câu nói như lời thầy bói, rất rộng. Cái chết không ai tránh khỏi, duy sớm hay muộn, đáng tiếc hay đáng khinh. Nhưng cũng vì cái chết bất đắc kỳ tử nầy mà ông bạn nọ khuyên tôi lánh mặt ông và quên rằng nếu không làm gì lỗi thì sẽ là tự nhìn nhận mình không trong sạch.

Có một bài thơ sau đây tôi chép từ lúc còn học trường Chasseloup, không rõ của ông làm hay của người thế gian gán cho ông để thêm oai, cũng xin chép lại làm dấu tích.

Thơ đức Thành Thái ngự du Sài Gòn, khi tàu cặp bến:
Tiếng xa nghe lội tiếng đồn loang,
Tàu ghé gieo neo rổn rổn ran
Trẻ lật rật mang xương vũ trụ,
Già bôn chôn quảy gánh giang san.
Rần rần lên xuống đô vương bá,
Nườm nượp đi về lũ hổ mang.
Còn đó nhộn nhàng dân sáu tỉnh,
Lui rồi sóng lặng cõi bờ an.

(Bài thơ không chỉ là đặc sắc, thêm lộ liễu quá, không lý của ông).

Một ông vua thứ hai tôi được mắt thấy là ông Khái Định. Ông nầy băng hà tại Huế ngày 6-11-1925. Trước đồ ông có vào Sài Gòn để chờ xuống tàu qua Marseille vì lúc ấy muốn sang Pháp, phải dùng đường biển, tàu chạy từ hai mươi bốn đến hai mươi tám ngày mới tới nơi, tuỳ tàu tốc hành hay tàu chở chuyên hàng hoá, gọi tàu chở gạo. Đất Nam Kỳ lúc đó, người Tây có quan niệm là nhượng địa đã cắt đứt cho Pháp, việc ông đật chân lên Sài Gòn là vì quá cấp bách cho kịp chuyến tàu sang Pháp, chớ chuyến về ông sang tàu ngoài Cấp rồi dùng đường biển ra luôn Đà Nẵng, ý người Pháp không muốn cho dân Nam nắm nuối ông vua nầy e động lòng nhớ quê cha đất Tổ mà vùng dậy sanh dị tâm. Khi tôi đứng dưới gốc da ngang cửa lớn dinh Gia Long ngày nay, bữa ông đón chào ra mắt thống đốc Nam kỳ, tôi không dè đã mục kích một buổi yết kiến lịch sử. Khi chiếc xe hơi mui trần, hiệu Delage sáu máy, mang số hiệu C.20 là xe sang nhứt của Phó Soái Nam kỳ thuở ấy, chở ông đến trước đại môn, xe vừa ngừng, thì nhạc nghi lễ trối giọng: bản quốc thiều Pháp, la Marseillaise xổ trước, rồi bản quốc thiều triều đình Huế tấu sau. Kế đó một bác tài xế phụ mặc sức phục tùng kính cẩn xuống mở cửa xe. Tôi thấy bước xuống một ông trạc tứ tuần bước chậm rãi khoan thai, tôi vừa vội khen "tướng rồng" chợt tôi nhìn cách ăn mặc, tiếng khen tắt ngủm! Ông đầu đội nón lông kết ngù bằng vàng thiệt, áo thêu rồng cũng màu vàng, bó sát vóc rồng ốm nhom, quần kiểu quần Tây trắng bó gọn trong đôi hia “ghết” da đen cao tới gối lưng nịt ngọc đái và đeo gươm cán vàng có nạm kim cương, trên ngự bào lóng lánh chói chói rất nhiều hạt kim cương cỡ năm sáu ly, ông đứng vịn cán gượơ một tay đưa lên trán chào theo kiểu nhà binh, mươi ngón tay, trừ hai ngón cái đã đeo tám ngón tám chiếc cà rá nhận hột xoàn thật lớn. Ông người dong dảy dễ coi, muốn khen là bô, duy gương mặt, nếu gọi đó là "long nhan", tại sao lại một màu với áo và cán gươm vàng khè thấy dễ sợ? Mũi cao mắt sáng, bao nhiêu thông minh của dòng Nguyễn Phước đều đổ dồn vào cặp nhãn nầy, một ông muốn tỏ mình chuộng võ lực, muốn làm "cô-lô-nên" (colonel) nhưng chỉ có hình thù một ông quan ma-tà choàng ngự bào, mặt khác ông muốn khoe sự giàu sang "phú hữu tứ hải", nhưng xoàn và vàng chỉ làm ra ông một người bán nam bán nữ, ham nữ trang và diện như con đàn bà bóng xế về chiều. Ông hết còn gì là thiên tử", và lúc ấy tôi thấy chỉ là một con bịnh cầu mong gặp phước chủ may thầy sang Pháp kỳ đó trông gặp Biển Thước, Hoa Đà cứu khỏi bỉnh nan y lao trong cốt tuỷ, nhưng ông chỉ làm trò cười cho dân Paris sẵn tính kiêu ngạo. Nghe nói đốc lý thành phố dâng sổ vàng xin chữ ký, ông cầm bút đứng trên một khắc đồng hồ nghĩ ngợi, sau rốt vỏn vẹn ký hai chữ tên vua. Cái gì của vua cũng đều hoà hoãn! Mấy con đầm nịnh ông lại gần dâng hoa ton hót. Ông ngắt hột xoàn trôn áo đáp lễ, cho như vậy thật là phí phạm và không biết cách ban ân. Hèn chi cụ Phan Châu Trinh chê ông mà không ai bào chữa được. Bữa tôi núp gốc đa xem ông, có mấy chú Tây chà và xầm xì "Vua nước Nam như vậy hay sao?" tôi không biết là lời khen hay chê, mong ngày ông ngự giá hồi loan, ông đem về một tin mừng nào cho nước nhà, bất ngờ tàu ông chạy thẳng ra Đà Nẵng rồi ông lên bộ trực chỉ Huế đô, dân Sài Gòn không thấy mặt ông lại nữa.

Nãy giờ tôi nói dông dài mà chưa đề cập đến chuyện cũ hai vua mất ngôi. Và việc còn mới quá, tôi xin tạm giấu tên để khỏi đụng chạm. Người Pháp khi lập đô hộ, đã biệt đãi hai nước khác nhau bên trọng bên khinh gần thấy rõ. Với nước nầy, tạm gọi Tần Quốc, họ không trả lương và đầu độc mỗi tháng bằng mười kí lô thuốc phiện chia trong giới hoàng thân muốn hút thì ghiền gập hay không cũng mặc, không hút thì bán chác lấy lãi nuôi sống (là việc riêng trong hoàng tộc, họ không cần biết đến). Một nguồn hoa lợi khác nữa là người trong dòng họ vua được phép chứa bài lấy liền hồ. Đem tay bài về sát phạt trong hoàng cung. thì không bị bắt bớ. Đầu độc bằng thuốc phiện và bằng cuộc vui đổ bác, khỏi xuất ngân quỹ, còn mưu nào ác độc hơn? Khi ông vua bù nhìn quá già, phải nghĩ đến việc kế vị, họ cũng tìm ra một kế thâm thuý. Ông vua đã trên sáu bảy mươi tuổi, có một phò mã đã gần ngũ tuần, bà công chúa vợ phò mã vả lại là thân thích hàng con bạc con chú, hoặc giả con cô con cậu, việc không rõ lắm, nước nầy theo chế độ mẫu hệ, và "bà con lấy nhau" là sự thường, việc càng tốt vì gia tài khỏi bị người ngoại tộc vào chia, phò mã và công chúa có một người con trai, tạm gọi là thái tử. Để luyện cho thái tử (hay thế tử) đủ tài nối nghiệp làm vua, thay vì cho sang Pháp, họ gởi vào Sài Gòn, cho học trường Chasseloup và lựa một viên bảo chứng (correspondant) để phụng sự lo lắng mọi sự cần dùng của thái tử, là một cận thần thân tín, một sen đầm (hiến binh) Pháp, tôn lên chức đại diện hoàng gia, và có phận sự làm quản lý coi sóc một biệt thự ở bên hông trường, làm nơi trú ngụ cho thái tử những ngày chúa nhựt và nghỉ lễ có chỗ ra chơi (Ngôi biệt thự nầy ở đường Lê Quý Đôn). Thái tử là người dễ tánh, không cần tỵ hiềm và chỉ lo bề ăn học. Lúc ấy thái tử cũng chưa biết mình sau nầy cầm quyền sinh sát một tay và cầm vận mạng một nước, bắt tay địch thể với nhiều quốc gia trọng đại khác, thái tử rất giản dị, và sau nầy khi lên ngôi thế vua ông, có lần đã đòi xuống Sài Gòn để dự lễ đám tân hôn của một bạn đồng song người Việt, đủ biết thái tử bụng dạ dễ dãi và bình dân thế nào. Cái then chốt của câu chuyện nầy là ngày 19-11-1942, tôi chứng kiến đức Bảo Đại và bà Nam Phương hoàng hậu ngự du Sài Gòn. Phải biết tình hình trong xứ lúc nầy gay cấn lắm. Thái tử đã nghỉ học, tôi không nhớ rõ vì tiên đế giá băng hay vì lẽ bọn quân phiệt lùn lăm le đem mộng Đại Đông Á quyết xây trên bán đảo Đông Dương, nên thái tử phải về nước, bỏ dở việc sách đèn. Cùng ruột lúc: đề đốc Decoux thủ vai tuồng đi dây cho gánh xiếc Pháp của thống chế Pétain, một mặt lo ru ngủ các thần dân Miên - Lào - Việt, một mặt lo đối địch với đạo binh hùm sói viễn chinh Nhật nay đòi trưng thu thóc lúa, mai lăm le cướp chánh quyền. Để đánh lạc hướng dư luận trong xứ, ban đầu đề đốc nghĩ ra một kế và ân cần mời thái tử trở lại Sài Gòn, phen nầy không phải là một học trò trường trung học Chasseloup tầm thường, nhưng nghiễm nhiên là một tiểu quân vương của một nước bạn hết sức trung thành cùng mẫu quốc Pháp, có tiền hô hậu tống. Quả nhiên đề đốc thành công mỹ mãn, vì thái tử chưa đổi tánh, vẫn lịch sự và đối đãi với nước thầy hết sức nhã nhặn và khiêm tốn. Bữa rước thái tử lại dinh thống đốc dự yến, thái tử xuống xe bắt tay từ anh cai kèn đến ông quan soái, và khi về nước không quên gởi kỷ niệm cả vốc mề đay “cốm giẹp”, phân phát không thiếu một người từ trên là quan thống đốc tướng sĩ chưởng lý, xuống đến hạ cấp, anh cai thổi kèn, anh lính đánh trống, luôn cả anh bồng súng gác cửa canh cho thái tử được an toàn. Một cử chỉ nhỏ làm cho các quan Tây cười và lấy đó làm một giai thoại thích thú nhất đời là thái tử tánh còn con nít lắm. Trong chương trình tiếp tân, có dự định mỗi ngày lúc tám giờ khi thái tử thức giấc, là có một giàn nhạc Tây phải chực sẵn dưới bệ cửa sổ để trổi khúc nhạc chào mừng. Vả chăng lúc ấy với quân Nhựt chiếm đóng, họ kéo giờ lại sớm hơn sáu chục phút để phù hợp với giờ bên Đông Kinh, khiến nên tám giờ sáng lúc đó là chỉ có bảy giờ ban mai cũ. Thái tử trai tơ dậy mẩy, không thức sớm được, và khi lính kèn xin tấu nhạc, thái tử đuổi đi và hẹn nán lại một giờ sau (tức tám giờ sáng y như cựu lệ) khi ấy sẽ cử hành nghi lễ hay làm gì thì làm. Báo hại mấy anh lính Tây phải tìm chỗ trốn nắng, chờ cho thái tử dậy và tỉnh minh, thay đại phục ra đứng nơi cửa sổ rồi sẽ thổi kèn. Và vì mấy lính Tây dễ dạy, dễ sai nên sau nầy thái tử về xứ gởi thượng nhiều mề-đay không tiếc.

Công việc tiếp đón ông thái tử da ngăm đen được trôi chảy theo ý định trước, bản phúc trình của viên thống đốc Nam Kỳ (ông Rivoal) gởi ra Hà Nội cho toà quyền Decoux tường lãm, thì có công văn mật của ông nầy chỉ thị cho ông Rivoal phải làm cách nào thỉnh cho được hoàng thượng Bảo Đại ngự du Sài Gòn một chuyến y như gương thái tử Sihanuk, đã vạch sẵn. Nhưng phen nầy không dễ như phen nọ và đúng ra người mũi cao đã nếm mùi thể thức và nghi lễ do người mũ xệp dạy họ biết là một khi muốn vẽ viên thực sự rước một thiên tử ngự du cõi lạ. Trước khi kể sự nầy, xin cho tôi trở lại một thời xa xăm hơn. Như trước đây tôi đã nói, nước thầy đãi hai nước bị đô hộ một khinh một thường khác nhau. Tỷ dụ thái tử đen chỉ cho học trường bản xứ Chasseloup, thì trái lại đối với ông vua nầy, khi còn làm hoàng tử, vẫn được gởi đi học tận bên Pháp, có ký cô thác tử đường hoàng. Và việc ấy cũng có dây mơ rễ má liên lạc với nhau tự thủ chí vĩ. Việc tuy dài dòng, xin cho tôi kể đủ gọi góp tài liệu cho người sau nầy viết lại hay hơn.

Sơ khởi, tôi xin nhắc thầy dạy vua Đồng Khánh trước tiên là ông Sĩ Tải Trương Vĩnh Ký. Khi nhà học giả nầy biết mình không làm gì được sau khi người tri ngộ là toàn quyền Paul Bert từ trần nhà học giả nầy xin rút lui, nhường vai tuồng sư phó cho một nầy sanh tại An Nhơn (Gia Định) nên lấy biệt hiệu là Yên Sa. Sau ông vốn hàn vi xuất thân, nhờ học giỏi xuất chúng nên Tây gởi qua học bên Alger, vì cho rằng người Nam, sanh nơi xứ nóng, học bên Pháp sẽ bị bất phục thuỷ thổ. Học thành tài. Ông đỗ bằng lú tài đôi gọi theo Pháp thời đó là double bacheher. Ông đã có sẵn một học lực vững chắc về Hán học, nên được bổ nhiệm như đà nói, làm thầy dạy vua Đồng Khánh thay ông Trương Vĩnh Ký.

Khi tôi ra Huế làm giảng viên Đại học Văn Khoa lối năm 1964-1967, có người chỉ cho tôi biết rằng bức vách trấn phong meo mốc nay còn lại trước dinh ông quận công (Vĩnh quốc công), nhạc trưởng đức Khải Định, nơi góc đường Nguyễn Du và Võ Tánh (Huế) là di tích nền xưa nhà ông Yên Sa khi còn làm quan ở đế đô.

Xin nhắc lại đời ông Yên Sa, ít có người chịu đi học trường Pháp lập ra và muốn có học trò theo học, Pháp phải ép buộc các hương chức làng và con người có gia tư điền sản, phải cho con đi học, thì khỏi đi làm xâu, đi lính, lại được cấp học bổng và phát áo quần và xà bông để giặt giậm cùng gội đầu hớt tóc. Đời đó, người nào hớt tóc cụt thì dân chúng ghét lắm tuy không dám nói ra.

Người dân mặc toàn vải đen (sau nầy thành ngữ "đầu đen máu đỏ” ý nói đầu có tóc đen, máu huyết vẫn màu đỏ lại hiểu rộng thêm là "dân đen” vì thường mặc y phục đen), và người nào mặc y phục màu trắng thì ố lắm, vì "thằng đó đã theo Tây", bất chấp màu trắng là màu tang tóc. Lớp trước tôi thì lãnh học bổng mỗi tháng năm đồng bạc (5$00) gọi boursier (học trò có học bổng), số tiền nầy do công nho địa hạt cấp, và phần nhiều đều lọt về tay mấy thầy giáo có nhà rộng rãi đem học trò về nuôi và gọi "nấu cơm tháng", và "ăn cơm tháng”. Khoảng năm 1915-1925, mỗi tỉnh ở Nam kỳ đều dự định bốn hay năm học bổng mười đồng mỗi tháng mỗi trò để gởi lên học trường sư phạm Sở Thú (Ecole Normale d inslituteurs), nay lấy trụ sở làm trường Võ Trường Toàn.

Học sinh nào khi thi ra trường, chịu làm giáo viên trong mười năm thì miễn, người nào thi đậu diplôme mà hành nghề khác như thơ ký toà bố hay thơ ký sở khác như tạo tác hay ngân khố, thì phải đền tiền, tính bốn trăm đồng (400$00) cho bốn năm học bổng, nhưng người nào có khả năng và có mánh lới thì giả chước thi rớt năm ra trường, và cố nhiên bị sa thải, miễn đền tiền, sau đó học đăng tên thi tuyển vào kho bạc, vào sở dây thép, vào sở trường tiền nghiễm nhiên trở nên công chức mà khỏi bị bắt buộc đền tiền mà thuở ấy cho rằng nhục nhã. Học trường Normale, mỗi năm có hai bộ quần áo vải trắng và hai quần Tây cùng một áo bằng nỉ tím, sau đổi ra đen, có sáu nút xi vàng có chừ nổi "E. N", sau bớt lần hai năm phát một áo nỉ rồi nín luôn tuốt luốt không cho một cấp áo nào mà vẫn học trò vô xin học càng đông đến nỗi phải bày ra các cuộc thi nhập học lần thét đến lo lót hối lộ để vô trường.

Vào đời ông Yên Sa, nghe đâu ông là con của người ở mướn, chăn trâu hay ở bạn gì đó, thấy mặt mày sáng láng, nên chủ nhà ép đi học thế cho con ở nhà làm cậu ấm công tử, được tiếng là trung thành với Nam triều. Ngờ đâu chánh phủ Pháp củng cố địa vị được hơn tám chục năm, trải bốn thế hệ (mỗi thế hệ trung bình hai mươi đến hai mươi lăm năm), và lần hồi người rừng Nam, phần đông đều chịu thua ngả nón chạy theo Pháp và ít có nhà thủ tiết cực đoan được. Ông Yên Sa ra Huế, làm tay mặt, đứng thông ngôn cho chánh phủ Pháp và Nam triều lấy vợ là một bà công chúa, em ngài Dục Đức. Trên là khâm sứ "Sạc" (Charles), dưới là ông. Khi đức Đồng Khánh băng, tưởng rằng đem cháu vợ vào nối ngôi sẽ nhờ cậy nhiều, sau ông Thành Thái được tôn làm vua rồi.

Năm 1919, tôi còn gặp ông Yên Sa vào dạy học Việt Văn (lúc ấy gọi môn “annamite”) nơi trường Chasseloup, tôi tiếc không được làm môn sanh của ông, tôi chỉ học nhín, ngồi bên nầy lớp gởi tai nghe lén ông dạy lớp kế bên, thật là lưu loát và dồi dào phong phú. Ông là cha của Diệp Văn Kỳ, chủ bút tờ Đông Pháp thời báo (con do bà công chúa sanh), nhưng tiếc cho ông Yên Sa, học lực hơn người mà sự nghiệp văn chương chỉ để lại một bổn Phong hoá viết bằng Pháp văn: Recuetl de morale annamite, Imprimerie de l Union Sài Gòn 1917; - một quyển "Việt nam luân lý tập thành" Imprimerie de l union, Sài Gòn, 1917; một quyển "Sách vần quốc ngữ" nhà in Phát Toán, Sài Gòn, năm 1909.

Tôi còn nhớ hình dạng ông Diệp Văn Cương, người nấm thấp, có hơi mập, thường mặc âu phục trắng, đội nón cát cô-lô-ni-anh (casque colonial), đặc biệt là mặt ông đỏ hồng chừa râu ngạch trê kiểu Clémenceau (râu hùm rất dày và quặp xuống như sừng trái ấu), tiếng ông rốn ráng như chuông hay như sấm, ông nói tiếng Pháp rất trôi chảy và y như Tây, thêm tánh ông nóng nảy, khi ông làm giám khảo hạch miệng khoa thành chung, học trò trường khác goi ông bằng ông, ông quở: "Cha mi gọi ta bằng ông cũng chưa được!”, vì ông vẫn nhớ ngoài kia ông vẫn là "quan lớn", muôn được gọi như vậy (quan lớn Cương, là tiếng quen gọi ông thuở ấy), nhưng bình tâm mà xét, ông khá tốt với học sinh, duy thích nạt nộ là hỏi cho tột cùng, cho đến bí, nhưng vẫn cho điếm trung bình chứ không đánh rớt. Sở trường của ông là môn hát bội. Ông rất rành từ câu hát đến điệu bộ, ông dạy trong trường về Kim Vân Kiều, ông ngâm Kiều nghe sang sảng. Ông thích xem hát bội, khi vãn hát ông ngồi xe song mã chở cô đào để nguyên áo mão về nhà, khi Phàn Lê Huê, khi Thoại Ba công chúa, ông ngạo tất cả giáo sư Việt, chê chẳng bằng ông (khi nghe tin ông đốc Nguyễn Văn Mai thay ông dạy Việt văn, ông trề môi: “Thằng Mai mà dạy cái gì?", câu nầy rồi ông đốc Mai trả lại cho người kế vị là ông Dương Minh Thới: "Thằng Thới mà dạy cái gì", thật là người lớn tuổi thường giống nhau một chỗ ấy).

Đối với ông Yên Sa, có tiếng là danh sĩ miền Nam, uyên thâm Hán và Tây học, thế mà khi mất, chỉ để lại cho đoàn hậu sanh ba bốn cuốn sách mỏng dành, bé tý teo, đáng gọi "trái núi đẻ ra ba chuột nhắt".

Thuở ông Thành Thái còn tại vị, có một ông hoàng dòng vua Đồng Khánh, nhưng không, được phong thái tử, vì nếu phong, Tây sợ không đủ tiền trả cấp bổng vì đông quá. Bởi thế, ông nghèo xơ xác, nghèo rớt mồng tơi, và ông ăn chơi rất có mực, nổi tiếng là có đủ bịnh tật trong mình, thậm chí con ruột của ông, giống ông như khuôn đúc, mà miệng thế gian ăn thắm ăn muối vẫn đồn không phải thật con.

Theo quyển "Giai thoại văn chương Việt Nam” của nhà văn Thái Bạch (bản Sống Mới năm 1972, trường 193), ông hoàng nầy có biệt tài, sửa một chữ trong một câu đối mà chuyển được vận mạng tác giả câu nầy từ bế tắc ra hanh thông.

Một hôm ông vào xóm tìm hoa, bỗng thấy một câu đối dán trước cửa nhà nọ:

"Chữ nghĩa có là bao, học ừ bảo dậy, chi hồ giả dã lăng nhăng, đất có học tài sao chẳng đỗ”.

"Thuốc men nào mấy hột, lấy cũng bốc cho, lá cỏ cành cây láo nháo, trời cho bịnh khỏi ấy là may".

Nhìn câu đối, ông biết chủ nhân là nhà nho vừa dạy học vừa làm thuốc, ông ghé vào làm quen. Thấy chủ nhân than cảnh nghèo túng, ông bàn: "Nghèo là tại câu đối kia, nếu cho ông đổi một chữ, một chữ thôi, có lẽ làm ăn khá giả”.

Chủ nhà bằng lòng, ông đề nghị đổi câu “trời cho bịnh khỏi ấy là may" đổi lại là "trời cho bịnh khỏi ấy là HAY".

Như vậy, đâu phải là ông không có học. Còn hay nữa là khác. Nhưng nếu câu sau nầy mà thật của ông, theo lời Thái Bạch nói, thì ông thật là người đáng kính, một bậc thi bá tài tình chớ không chơi. Câu ấy như vầy:

"Xuân xanh tuổi ngoài đôi chục, chợt đục trần ai, khi bài khi bạc, khi tài bàn vác, khi tổ tôm quanh, khi năm canh ngôi nhà hát, khi gác cổ ả đào, khi ghẻ tàu con đĩ xác, khi nằm rạp thuốc phiện tiêm, hoanh ra dáng rạng ra rồng. ngông ra phết cóc biết chi tồi, miệng én đưa qua mùi gió thoảng.

Quốc gia lịch tứ thiên dư, do truyền nhân vật, như Tô như Duật, như Phật Tứ Quân, như Trần Quốc Tuấn, như Phạm Công Thượng tướng quân, như Bạch Vân phu tử, như ngự sử Lê Cảnh Tuân, như công thần Nguyễn Công Trứ, tài chi tuấn thời chi thế, thế chi sử, khỉ nhưng nhiên phủ, thần long đắc vũ tiện vân đằng”.

Vế trước rặt nôm, vế sau ròng chữ vừa duyên dáng vừa tài tình, vừa có một khiếu trào lộng không ai hơn nếu phải đó là của ngài Bửu Đảo, sau nầy là Hoàng Tôn Tuyên Hoàng đế, trong Nam thường biết là ông vua Khải Định, thì đáng phục biết mấy, nhưng tại sao khi trên đất Pháp, khi đốc lý Paris xin một câu ghi trong quyển sổ vàng, ông đứng cả canh mà rặn không ra?

Nhắc lại khi ông nghèo sát chiếu và năng bị vua anh là Thành Thái húng hiếp, gặp mặt là rượt đánh là xỉ mạ lắm điều, mỗi lần gặp vận quá đen, ông hoàng nầy thường đến nhà ông Sạc (Charles) nhờ tiếp vận khi ít khi nhiều để vượt qua cơn túng ngặt. Việc làm cầu may cho qua cơn khó, ngờ đâu khi vận đỏ lại biến thành phúc tinh. Ông Sạc, lúc làm khâm sứ và khi lựa người thay thế ông vua có cơn điên Thành Thái, bỗng sực nhớ lại ông hoàng khả ái (le prince charmant), năng tới lui mượn tiền mình xài, nay tại sao mình không nhớ lại và tôn lên làm hoàng đế? Và ân báo ân, oán báo oán, khi ông Sạc sắp về hưu, cũng vừa lúc ông vua nầy lựa người gởi gắm con cô. Như đã nói bên trọng bên khinh, khi đào tạo một ông con trời cho xứ Việt giống rồng, người thầy cũ đã nhớ một công hai việc, vừa có dịp tài trợ thêm phụ cấp cho một công thần là Sạc tiên sinh, vừa giúp vua kiếm người thái phó tin cậy và gởi đi Pháp một lần hai hoàng tử mạnh khỏe, phòng hờ sơ sẩy là ông Vĩnh Cẩn và thái tử Vĩnh Thuỵ.

Vợ chồng ông Sạc dạy ông Vĩnh Thuỵ rất kỹ, trông nom từ cách cầm nĩa muỗng, khi cắt thịt cây dao phải cầm tay nào, nĩa muỗng cầm tay nào, nếp na cử chỉ một ông hoàng sau nầy sẽ làm vua phải ra sao, dạy thể thao từ chơi banh tơ-nít, trượt tuyết bay tàu trên ngọn sóng, lái phi cơ đi săn thú rừng, thêm học văn chương, kinh tế có giáo sư riêng đến nhà cho cua, mỗi mỗi tiêm tất hết lòng như con đẻ không bằng. Ông Sạc từ khâm sứ, được tấn phong hàm toàn quyền danh dự, và hoàng tử Vĩnh thuỵ xứng đáng là một hoàng tử hoàn toàn lịch sự, không thua kém các ông hoàng tân thời của các nước Tây phương. Pháp trọng vọng ông, đến nỗi một năm nọ nhơn dịp lễ quốc khánh kỷ niệm cách mạng Pháp, tức lễ 14-7 (cát-to dui-dết) lúc tổng thống Paul Doumtr còn sanh tiền, chánh phủ Pháp mời ông ngự kiến trên đài danh dự cuộc diễu binh vĩ đại ở Paris, cùng một lúc với hoàng tử nước Anh, chức phong Prince de Galles. Nhưng oái oăm thay, trước một ngày hành lễ mới sực nhớ lại và lính quýnh không biết ông nào lớn ông nào nhỏ, ông nào nên sắp ngồi bên tay mặt tổng thống Pháp... Nhưng đã nói Pháp là một nước khéo về ngoại giao, để giải nan, Pháp vội gởi thơ hỏi ngay thái tử Anh chọn ngồi bên nào, và lịch sự nhã nhặn không kém, Anh quốc thái tử trả lời lập tức: một phen nầy và phen thứ nhất, chỗ ngồi danh dự ấy, xin kiềng nhường hoàng huynh ta, Việt Nam thái tử, vốn chi cũng là "tứ hải giai huynh đệ”, Và trong tờ Đại Hoạ Báo (Illustration) năm đó còn ghi lại ảnh tam vương đồng tịch, ông Doumer ngồi giữa, Vĩnh Thuỵ, ngồi bên mặt và bên trái tổng thống Pháp là hoàng tử Prince de Galles - ông hoàng chính cống nước Anh, một người có tiếng là phong lưu đệ nhất và là cây kim chỉ nam về mốt thời trang của khắp hoàn cầu. Viết đến đây, nhớ lại tôi cũng lé mắt và phồng hai lỗ mũi với cái bóng vang một thuở cho nước ta buổi đó.

Về sau, khi ông về lên ngôi kế vị cho cha, lúc tuyển chánh cung, bà Nam Phương đem tiền hồi môn về là một triệu đồng bạc mặt, do cậu ruột là ông Lê Phát An dâng tặng cho cháu gái. Số tiền ấy thuở đó là khổng lồ, nếu so sánh với bạc hiện nay, thì số tỷ vẫn chưa vừa, vì tỷ phú ngày nay có hiếu chớ như lối năm một ngàn chín trăm hai mươi ngoài, đầu thế kỷ hai mươi, tờ giấy xăng (100$00) có người trọn đời chưa từng thấy, và giàu hạc muôn, tức trong nhà có được mười ngàn, đã là giàu bạc nứt đố đổ vách.

Đến đây tôi mới trở lại việc ông Decoux sau khí sai mời được thái tử Tần quốc ngự du Sài Gòn để làm tàng, dưới mắt quân phiệt Nhựt, giá trị của đế quốc Pháp, nay ông ăn quen, nên hạ chi sai ông Rivoal, thống đốc Nam Kỳ, phải tìm cách mời cho đức hoàng đế Nam triều ngự du Sài Gòn một chuyến. Lúc ấy tôi còn làm thơ ký nơi dinh thống đốc và được coi về công văn mật. Tôi không có ý khoe khoang, nhưng cũng phải có hạnh kiểm thế nào, mới được ngồi chỗ tín nhiệm ấy. Lúc đó tôi đã có ý nghĩ viết bút ký về sau, nên những gì tôi cho là thuộc về lịch sử, tôi đều có sao chép lại làm tài liệu riêng. Tiếc thay mớ tài liệu ấy, năm 1946 tôi tản cư vô Hoà Tú và mang kè kè sau lưng trong một chiếc nóp "bất ly thân", vì vậy quân gian đã để ý và cho rằng nóp chứa nhiều giấy "bộ lư" (giấy một trăm đồng có cái hình lư đồng), khiến cho một đêm tối lính viễn chinh Pháp đổ bộ Hoà Tú, bắn súng đùng đùng, tôi hoảng chạy bỏ quên chiếc nóp trên giường nhà Chú Lý, quân gian đột nhập thộp nóp mở ra xem thấy toàn giấy má chớ không có bạc, chúng thất vọng bèn đốt nóp làm đuốc để rọi nhà hôi của quý, thành thử các tài liệu đáng giá đều làm mồi cho lửa, uổng quá, và hôm nay khi thuật chuyện nầy, tôi đành tóm tắt theo trí nhớ. Vả lại các công văn thuở ấy đều viết bằng pháp văn, và dẫu cho còn, vì bí mật nghề nghiệp, tôi cũng không có quyền công bố. Duy việc xảy ra đã trên ba chục năm, nhắm nói ra cũng vô tai hại.

Ấy đúng ngày 19-11-1942, vua Bảo Đại và bà Nam Phương ngự du Sài Gòn, và chính bữa trưa ngày thứ sáu 20-11-1942, tôi đứng dưới gốc đa trước dinh Gia Long và đã diện kiến long nhan đức Bảo Đại như thế nầy:

a) Độ chừng một tháng trước ngày ngự du, thống đốc Nam Kỳ gởì ra Huế một công văn, mời hoàng thượng ngự du Sài Gòn và nhắc lại rằng ông thái tử nước bạn, vừa rồi, đã có ngự hành như vậy, và thần dân trong Nam, Tây như Việt, ngưỡng mộ ngài lắm.

b) Bức chiếu văn từ Huế trả lời rất gãy gọn : "Bằng lòng Nam du, nhưng sẽ dùng làm hành cung, đại dinh Toàn quyền đường Norodom.

Được bức thơ nầy, nội các thống đốc đều kinh sợ, hội nghị mật bàn kế, một mặt đánh mật mã khẩn mời Đờ Ku bay vô chiếm trước dinh Toàn quyền, một mặt trả lời hoàng thượng viện cớ dinh đã có quan đầu xứ Đông Dương đến ở, và ân cần xin hoàng thượng đoái tình, tạm nhận lưu trú nơi dinh đường Lê Quý Đôn ngày nay, là dinh đầy đủ tiện nghi và trước đây đã làm chỗ ngự cho Tân vương thái tử.

Hoàng thượng trả lời vắn tắt: "Không có dinh Toàn quyền thì ta ngự dinh Mont-Joye ở Hanh Thông Tây là dinh của quốc cựu Lê Phát An".

Phải nói câu trả lời vừa đúng lễ ngoại giao và thật khéo, vì vừa giúp biệt thự nầy trang bị điện lực để hoàng thượng khỏi cảnh thấp đèn dầu, thêm giữ được thể thống nhà vua, chớ không chịu lép vế đãi như hàng tiểu chư hầu.

Thế là phải làm đêm làm ngày, dựng cột đá và gần dây cáp đem điện lên nhà ông tỷ phú Lê Phát An, không tốn một xu trả cho hãng đèn. Một đắc thắng theo kiểu trong Tam quốc, Khổng Minh mượn tên giúp Ngô chống Nguỵ.

Và cái ngày kiến nhựt "tiếp kiến hoàng thượng" đã đến: 20-11-1942. Ăn quen theo thói trước, các quan viên và mạng phụ Pháp tề tựu đông đủ tại mặt tiền dinh thống đốc (nay là dinh Gia Long), để y như tiền lệ sẽ bắt tay (ngang hàng) vua ta cũng như đã bắt tay mấy tháng trước đây, vị thái tử nọ. Trong chương trình ghi là đúng ngọ đãi tiệc ra mắt vua Nam.

Tôi làm việc trong toà dinh nầy, và trông mau tới ngọ, hết giờ làm việc, còi điện nhà dây thép chánh vừa hù, là tôi thu xếp giấy má và ra chực nơi dưới gốc cây đa quen thuộc, để phen nầy coi lén “long nhan đức hoàng thượng".

Tôi thấy đủ mặt, các bà đầm vợ công chức cao cấp Pháp đứng theo một bên, bà tay cầm quạt quạt phạch phạch, bà che dù như sợ nắng ăn da, bà hỉnh mùi "ta đây là mạng phụ triều đình", bà bên Pháp vừa qua chưa quen thói thuộc địa, vẫn dễ thương như người dân thành phố văn minh, dĩ hà nhứt thể, ở đâu cũng là tự do (liberté), bình đẳng (égalité), bác ái (fraternité).

Đúng ngọ, chiếc xe Delage C.20 có hai tài xế mặc sắc phục ngồi trước, đưa hoàng thượng từ Hanh Thông Tây đến. Xe ngừng, nhạc trổi quốc thiều y như lần trước rước Tần vương thái tử. Trước cử quốc thiều Pháp La Marseillaise, tiếp theo, đổi lại thay vì quốc thiều Miên là bản quốc thiều của triều đình Huế. Chiếc xe Delage bóng loáng, một người cao lớn dình giàng (ông cao 1m80) đứng giữa xe tay giơ lên ngang rán chào theo điệu nhà binh Tây phương, bình vận một bộ y phục tùng hết sức đúng thời trang, trán rộng mũi cao, cặp mắt có diễn, và toàn thân chiếu ra một nghi biểu khác phàm. Tiếng nhạc chót vừa dứt, người tài xế phụ y như cái máy, chạy xuống khép nép mở cửa xe. Ông bước xuống. Các bà đầm chạy lại, miệng người nào người nấy như hoa nở, hí hửng toan bắt tay vua. Vua làm như không thấy, ngực ông đã cao, ông ễnh càng cao thêm, mắt chăm chỉ ngó ngay, chơn ông cứ bước tới trước. Khiếp quá, các bà mạng phụ lật đật cúi đầu, và quên hết lời dặn của các đấng phu quân, đã khép nép tay nắm vạt áo đại trào (phần nhiều mặc bùn rền) đầu cúi móp trước đức vua Việt y như các tổ tiên họ đã triều bái vua Louis XIV hay vua Louis XV đời trước. Không như thái tử da đen phen trước, phen nầy đứng trước một ông vua oai nghi quá, mấy bà đã mất hết bình tĩnh, nên đã có cử chỉ như đã kể, làm cho các đấng phu quân cũng khớp luôn và mạnh ai nấy chào theo nghi lễ đối với quân vương; ông thống đốc đứng đầu hàng, nghiêng mình kính cẩn, ông chưởng lý toà thượng thẩm cũng bắt chước theo, trung tướng bộ binh và hải quân đại tá chào theo nhà binh, kỳ dư chủ tịch viện cơ mật, viện quản hạt, lòng thương mãi và các quan viên Tây có mặt tại đó đều răm rắp cúi chào theo nghi lễ và khi ông qua khỏi rồi, đều ngó nhau trơ trẽn, quả ông đi đứng “long hành hổ bộ" rõ ràng. Khi ông bước đến bệ trên của điện, ông cũng không ngó lại chào và vẫn tiếp tục bước ngay vô trong. Thống đốc Rivoal mất hết bình tĩnh, không đợi tuỳ giá quan làm việc nầy, và đã chạy theo vua, kéo ghế danh dự ra cho vua ngự. Bữa tiệc dùng trong một sự lặng lẽ kính cẩn chưa từng có và mãn tiệc rồi, tại phòng khách vua mới dạy thống đốc trình diện quan khách và khi ấy vua mới có câu cởi mở đối với mọi người.

Lúc ấy tôi làm phụ tá cho một phó tham biện trẻ, tập sự, đã quen thân với tôi lúc còn làm chung ở toà bố Cần Thơ, và buổi ấy, ông làm bí thư cho thống đốc, còn tôi ngoài phận sự giữ công văn mật, còn giúp ông một tay về nội dịch, đi kiếm mua rượu ngon và kiếm thực phẩm âu chân như bơ sữa trong buổi bế quan toả cảng vì chiến tranh khắp trời nầy. Bicail là người tốt, chơi với tôi đãi tôi bực thầy, vì tôi trộng tuổi hơn va và lúc ở Cần Thơ có dạy va mấy tháng Việt ngữ. Trước khi vua vào Nam. Bicail, khoe với tôi rằng vốn cùng vua học chung một thầy, và khoe "nếu vua gặp mặt, ắt niềm nở với va lắm".

Tôi nghe thì để bụng, cũng không cố tâm lắm. Duy tiện đãy nên kể một tục ngộ trong dinh thống đốc thuở ấy, là mỗi lần thiết tiệc đãi tân khách, không bao giờ để bàn có chỗ trống, rủi có một, vị khách vào giờ chót không đến dự được thì trong hai ông than biện trẻ tuổi trong dinh, là ông Bicail nầy hoặc ông Grange, phụ tá chánh văn phòng (chen de cabinet adjoinl) được dự yến, và trong khi đùa giỡn thân mật chúng tôi gọi hai ông là ông trám lỗ!

Từ bữa có cuộc Nam du, nhứt là sau bữa tiếp tân, tôi biết Bicail vẫn cố làm cho vua thấy mặt, khi thì Bicail đứng lấp ló nơi cửa ra vào khi thì Bicail hiện ra nơi phòng tiếp tân để chạy bận hoặc thay cho bồi phòng làm những việc gì éo le cấp bách, ngờ đâu vua giả lờ không thấy Bicail và không trao đổi một lời nào. Có lẽ Bicail mắc cỡ với tôi nên cố lánh mặt không cho tôi thấy và trái lại tôi thì cố tìm cho gặp Bicail để ghẹo tức va chơi. Thoạt sau hôm đức vua hồi loan về Huế một l ngày, bỗng Bicail miệng cười tích toác, chạy lại bàn chìa tay nắm chặt tay tôi mà rằng. "Tưởng vua quên. Không dè vì nghi lễ, vua không thể tiếp tôi tại điện, nên đã nhắn với quan thống đốc mời tôi lên dinh ngài quốc cựu ở Hanh Thông Tây, và hôm qua này, tôi và vua. Ủa quên, vua và Bicaỉl nầy, đã hàn huyên nói chuyện trời mưa trời nắng y như lúc còn bên Pháp. Mà phải thật ông đã cùng vua chúng tôi cùng một lớp học không? Tôi hỏi. Bicail cười hề hề, đáp: “Nói đúng ra, đức vua học ở nhà ông Sạc, thỉnh thoảng đôi khi chúng tôi gặp nhau và chào nhau, vì ông thầy dạy học là một ông thầy chung. Anh Sển à, vua của anh đàng hoàng lắm, không như ông Sihanuk, tôi phục vua anh sát đất. Vua như vậy mới là vua!".

Những lời nói trên không phải là nịnh. Tôi chép lại thì cả hai vua đã mất ngôi, nịnh cũng là thừa. Duy lịch sử vẫn còn đó và chưa khoá sổ. Nói bây giờ e còn sớm, hãy chống mắt coi và xin hẹn "hậu nhựt tri".

Tái bút - Nhắc đến ông Grange, khiến nay tôi xúc tình cảm cựu. Sau đảo chánh năm 1945, thầy trò phân đôi ngả. Bỗng gặp nhau lại khi tôi vào làm việc ở Viện bảo tàng. Ông đến viếng nhà tôi vừa cất được ở Gia Định, và đây là câu ông viết trong tập sổ vàng hiện giữ tại nhà: ""Monsieur Vương Hồng Sển, ami de vieille data, m a jadis initié au culte des vieilles pierres, des fleurs délicates, des porcelaines précieuses, dont il est un collectionneur ausse fervent qu érudit Je ne suis hélas, qu un néophyte indigne, mais cependant je ne puis qu exprimer à Mr.Sển, toute mon admiration pour la reconstitution pieuse d une maison vietnamienne qu il a réalisée avec autant d amour que de got.

"Avec toute mon amitié,

J. GRANGE 12 Juin 1955

DỊCH THOÁT

Vương Hồng Sển là một bạn cũ lâu dài. Ông đã dẫn dắt tôi vào đạo tôn thờ đá cổ, hoa lạ, sứ quý, mà ông là một sưu tập gia vừa nhiều nhiệt thành cũng như thông thái.

Tiếc thay, tôi chỉ là một tân tín đồ bất xứng: mặc dầu vậy, tôi xin tỏ ra đây, với ông Sển, lòng thán phục của tôi đối với công ông dựng lại ngôi nhà cổ Việt Nam nầy với bao nhiêu nhiệt thành hiệu thượng chân thật của ông.

Với tất cả tình tri kỷ.

Ký tên: J.GRANGE
Ngày 12 tháng 06 năm 1955.

 

 


15


Hư!


(Kể về hào phu thê, khi lập hai gia đình trước).

Lấy bình tâm mà xét, cho tới năm tôi được bốn mươi hai tuổi (năm 1946), năm nầy là năm chạy tản cư vô Hoà Tú (Sốc Trăng), đời tôi gồm một chữ HƯ to tướng, và vì năm nay tôi viết hồi ký đã được bảy mươi bốn tuổi, cũng đôi năm nữa là khoá sổ, chớ không lâu, cho nên tôi tạm gọi lập hồi ký nầy là: HƠN NỬA ĐỜI HƯ.

Trong khoảng hơn nửa đời người ấy, tóm tất lại:

a) Hai lần cưới vợ, có làm hôn thú đàng hoàng nhưng đều hỏng bét:
Với bà Trần Thị Thố, cưới nhau vì tiền, chín tháng, keo tan hồ rã.
Tôi không biết lựa người. Hai đứa hoàn toàn không hiểu nhau. Cưới theo xưa, đủ lễ, có coi ngày coi buổi, thế mà cưới ngày 16-6-1924, chín tháng sau, ngày 12-4-1926, thì ly dị trước toà: chưa nát một chiếc chiếu. Đổ lỗi cho nhau làm gì? Tôi chỉ ghi lại, tôi đã làm buồn cho Ba tôi và bên vợ. Tiền Ba tôi xuất ra không kể, nhiều lắm, nhưng thôi, nói làm gì. Chỉ nhớ tôi còn thiếu nợ tiền đi hồ, đến nay chưa trả, mà các ân nhân đã từ trần từ lâu.
Sau khi để vợ, còn lại một căn phố, số 214 La Grandière, tôi bán và sang luôn bàn ghế và phố được một ngàn bạc, không dám giữ trong mình mà gởi cho một bạn thân cùng làm một sở ở trường máy đường Đỗ Hữu Vị, vì tôi nghĩ mình có tánh ăn xài lớn, không nên giữ tiền trong túi nhiều. Nhưng tôi đã lầm, gởi trứng cho ác.

Đến khi tôi có chuyện cần dùng, hỏi, thì tên Nguyễn Văn Xuân đã đánh tứ sắc thua sạch rồi. Thế là tôi ở giữa hai thế kẹt: trước quá tin với vợ trẻ, thì vợ cho mọc sừng, trong tuổi thanh niên; tiếp theo vì quá tin nơi bạn thì bị bạn lừa; tình nghĩa phu thê không có, mà tình bằng hữu chi giao cũng không ra gì; duy tôi còn một chút lương tri, không muốn thành sát nhơn, một mình mình HƯ cũng đủ! Từ đó tôi đâm ra chơi bởi còn hơn trước. Tập uống rượu, thường nằm tiệm hút để đo lưng giấc trưa, vì tôi bán đồ đạc bàn ghế và sang phố rồi thì chở rương sách gởi nhà quen cho khỏi mất, chớ thân tôi, tôi không ở nơi nào định chắc: ăn thì ăn nhà hàng sang, Yeng-Yeng, Quảng Hộp, còn tối lại, tôi đi tìm gái, vui đâu chúc đó, đêm nay phòng ngủ nầy, đêm sau ở khách sạn khác, phòng sang chỉ có hai đồng rưỡi bạc một ngày, còn thuốc phiện chinh cống trong hộp thau chỉ có hai các mỗi ngao, hoặc hộp nhỏ mười gram một đồng mốt mỗi hộp hoặc hộp lớn hai chục gram hai đồng mỗi hộp, gái ăn chơi xóm nào tôi cũng quen, cô Mười tóc đỏ, cô Chín Quế Anh, cô Sáu Ngọc Anh, cô Ba Cù Là, ối thôi kể không hết. Thân xác xếp ve, mặt mày xanh mét, tôi là Vương Tái Sển chớ đâu xứng Vương Hồng? Một hôm ghé Solirène mua thuốc nhảy lên cân thấy còn có bốn mươi hai ký, giựt mình lúc đó, nhưng khi bước xuống cân, thì vẫn đi theo đàng cũ, cái hư thân mất nết không chừa. Nay tôi nặng sáu mươi ba ký, và nhớ lại các bạn trác táng năm xưa thảy đều xuống lỗ, ghê quá,

b) Lần thứ hai, tôi cưới cô Dương Thị Tuyết, phen nầy lúc ban sơ rõ là vì tình, vì khi gặp nhau, cô là bạch thủ; anh tôi khéo thu xếp cô ăn gia tài của bà Phủ An, nhưng rồi cũng đi đến ly dị. Cô ôm một ô xoàn, bỏ tôi với mớ đồ cô cho là vô dụng: chén bát cũ và sách rách bìa xác xơ như chủ nó. Cô bỏ tôi từ năm 1947, cưới nhau ngày 9-11-1927, án toà cho ly dị đề ngày 7-7-1958, ăn ở cùng nhau chia ngọt xớt bùi được mười chín năm, chen hoẻn không con,

“Mình ơi tôi nói mình nghe
Không thương nhau nữa, thà rằng mình thôi.
Muốn thôi, tôi cũng cho thôi.
Hồ san tát cạn, ai thôi mặc mình”

Mấy câu nầy không phải của tôi, và do một anh mật thám Tây, Le Corre, gặp ở Cần Thơ đọc cho tôi nghe, nay còn nhớ.

Đám cưới thật lớn, tiệc đãi linh đình. Cái nhạo rượu lễ, cậu Bảy Cảnh. Ông thân Hữu Phước, làm rể phụ, làm đổ hồi nào khi rót, không còn một giọt, điềm gì vậy? Phòng tân hôn: đêm cưới, lấy làm chỗ hốt me, đây thật điềm gở, nhưng tôi mê nhan sắc cô Tư nên nhắm mắt, cũng như chiều ngày nhập phòng vừa lạy xong mâm tơ hồng và cô bác, thì hai tôi phải để y đại phục cô dâu áo đỏ chàng rể áo thụng xanh bông hạc, đi rước tay bài: cậu Ba Qui, công tử Bạc Liêu, bác sĩ Lê Quang Trinh, hội đồng quản hạt, cô Ba Trà, Sáu Nhiều, huyện Đước v.v... và đêm ấy xâu được trót ngàn bạc. Ông via và bà via đều ăn trụm và giữ luôn mớ tiền hồ.

Ông Cò-mi Lân có mua biếu hai va-li da, một dùng đựng quần áo một chứa dao cạo và đồ nghề trang sức, hai vật nầy, chạy giặc mấy lần không mất, nay vẫn còn tại nhà tôi.

Ông Dương Văn Hai, cậu vợ, Dương Văn Tây và Dương Văn Giáo, cậu bên vợ, mỗi người cho một trăm đồng; anh Nguyễn Trinh Tường, anh vợ, đi hồ 50$. Nhưng thầy tôi là ông Kính, cho biết lễ vật đáng 550$ và bạc mặt 715$ thầy tôi cất giùm và hứa sau nầy sẽ trao lại hai tôi dành làm vốn khi ra riêng. Nói làm vậy, nhưng tôi không thấy mặt số tiền nầy, khi bà nhạc ban phần. Mấy chương kể lể nầy, không phải vì tiểu tâm, kỳ thật muốn ghi lại cho thừa kế biết mà đáp lại.

Đau lòng nhứt và nay tôi tiếc nhứt, là của lễ sính - lúc đó bị ông nhạc bà nhạc chê lên chê xuống vì chẳng phải kim cương hột xoàn, và chỉ có mười lạng vàng đôi. Nhưng đối với tôi, đây là vốn tiếng mẹ ruột tôi khi chết để lại, gồm mười đôi vàng do một tay Ba tôi chế tạo: chắt mót dành dụm từ li từ chút, lựa vàng thật cao tuổi, tự nấu lấy rồi cán ra móng, uốn thành vòng, mấy chỗ giáp mối thì cháy chớ không hàn vì hàn mất khéo và chỗ có vảy hàn vàng trở nên thấp (xấu), và bản thân trổ tài tự chạm ra mười kiểu khác nhau, kiểu chạm nào cũng xuất sắc, nay xin kể ra để cho biết cách gọi:

1) Chạm kiểu tứ linh tức long lân qui phụng;
2) Chạm bát tiên kỵ thú, tức mỗi ông tiên đều cỡi một con thú khác nhau;
3) Chạm nhứt thi nhứt hoạ, tức cảnh tứ thời “mai-lan-cúc-trúc” kèm thơ ngũ ngôn, nhưng mỗi giống hoa vịnh trong một câu năm chữ vắn tắt mà thôi;
4) Chạm nhứt cách nhứt chiếu (chiếc vòng chia ra tám khúc có bốn mặt trơn xen kẽ với bốn mặt chạm),
5) Chạm hạ cát, tức chạm hình nổ, dưới chân hình thì chạm bấm xuống cho hình thêm rõ nét và nổi hột thật đều y như hột cát sắp đầu cật kề nhau;
6) Chạm hạ láng, tức chạm hình nổi, dưới chân hình thì chạm bấm xuống và phải lăn mũi ve làm sao cho thật láng bóng nhứt là không được lủng rách; (đừng lầm với chạm lông, tức lấy giống lủng ra cho thấy lỗ trống);
7) Vàng nghiêng cũng gọi vàng niễng, tức cắt khữa sợi chí vàng như hình con cuốn chiếu. Người nào chạm đều tay đều nét là hay;
8) Vàng trơn, tức chiếc vòng để trơn, nhá thật bóng, không trầy, không móp;
9) Vàng neo chữ ngũ (nói chữ ngẫu mới hợp thời) tức vấn dây vàng cho đâu mặt nhau lại như hình ngũ trên hột lúc lắc,
10) Một đôi vàng đáp, tức để lá vàng trên khuôn mẫu bằng thép có chạm bông hoa sẵn, rồi xếp giấy để lên vàng rồi dùng búa “đáp” hay là đập mạnh lên giấy cho đến khi nào mặt vàng ăn lún xuống mặt khuôn, trổ ra hình mong muốn, xong rồi mới uốn cong ghép miệng, hoặc cháy hoặc hàn rồi làm khoá v.v...

Cưới vợ kỳ nầy, về ở chung với gia đình bà nhạc. Nực cười tôi muốn trụ mình cải hối, nhưng mấy cô nhân tình nhân ngãi vẫn chưa buông tha, tháng nầy một cô, tháng khác một cô, tiếp tục lên nhà số 260 đường Richaud (nay Phan Đình Phùng) kiếm để phá đám. Phần sợ vợ, vừa mười sáu tuổi đầu, biết được ghen tuông khóc lóc, phần sợ ông via đâm thọc kể kẻ vạch với bà via, nhưng nói có vong hồn ông và bà, mẹ vợ tôi rất lượng thứ, còn cha vợ, vốn là chắp nối, ông ăn chơi khét tiếng, thấy gái đến nhà như mèo thấy mỡ. Thèm thuồng thì có, la rầy vốn không!

Trong nhà không có tiền mà ăn xài như nước lở bờ. Nào bồi bếp nào sốp-phơ, lương thông phán của thầy tôi chỉ tám chục bạc mà mướn nhà đến một trăm sáu chục mỗi tháng ở đường Richaud được vài tháng, kế dọn về số 69 đường Taberd, cho đỡ tốn, vì phố nầy mướn tám chục bớt được tám chục. Nhưng nào có đủ. Mẹ vợ tôi tánh rất hào hiệp, trong nhà có tiệc đãi liền liền thầy tôi thì khỏi nói, kiếm được chút ít lì xì, thì lén đi nhảy đầm ôm gái. Vợ tôi và tôi thì không biết lo hậu. Lương tôi tám chục thêm tiền dạy Việt ngữ cho Tây kiếm mỗi tháng bốn anh trả mỗi anh hai chục, vị chi là tám chục nữa, thì cúng hết cho xi-nê, lúc ấy vừa có loại parlant (chớp bóng nói), thêm cải lương, lại còn coi đánh bốc. Cơm ở nhà không ăn, có máy với nhau làm giận làm hờn, bà via phải một tật mê tứ sắc tam hường, đánh mỗi lên mỗi cây đến một hai đồng, chiều về thấy hai đứa mặt héo ngồi chù ụ thì vứt năm đồng cho đi ăn Yeng-yeng, bà đâu biết rằng hai tôi giận giả, và rút rỉa bà mỗi tháng như vậy có trên hai chục ngày. Bất thình lình, mẹ vợ tôi xán bịnh, đánh tứ sắc ngồi một ngày một đêm gần cửa sổ làm qua ho ròi sưng phổi, ngày bớt ngày không, bỗng đêm 8-11-1928, bà đột ngột tắt hơi, trong khi tôi đã lìa Trường Máy, đổi về toà bố Sa Đéc từ 15-10-1928, phó thác vợ ở lại Sài Gòn nuôi mẹ đau chờ ngày tái hợp.

Lúc nầy thân tôi như chiến thuyền bé gặp cảnh bão táp, tai hoạ dập dồn.
Vì không lo xa nên không biết dành dụm xu nào, có bao nhiêu xài bằng hết. Lìa Sài Gòn, mất trước tiên tám chục bạc tiền dạy Tây, cũng mất luôn tiền phụ cấp đắt đỏ mười lăm đồng bạc mỗi tháng, về Sa Đéc lương tháng chỉ còn không tới sáu mươi ngoài đồng bạc (lúc nầy nếu có ai cho hối lộ thì nhận liền). Tôi ngây thơ trông cậy nơi mười lượng vàng của mẹ để lại và đã gởi cho cha mẹ của Tư cất giữ, tính lấy đó cầm vào nhà mont-de-piélé (tiệm cầm đồ) cũng có một số vốn nhỏ dọn nhà lập nghiệp, chớ không lòng nào tưởng tới việc bán đứt cho qua cơn túng ngặt. Ngờ đâu ngày l0-11-1928, lên Sài Gòn dự đám tang và khi chôn cất xong xuôi trở về nhà, trầu rượu lạy ông Trần Văn Kính trước mặt Ba tôi và trước mặt họ hàng cô bác bên vợ chứng kiến xin lãnh hộp gỗ đựng mười lượng vàng sính lễ năm trước, ông via tôi lấy trong tủ sắt cái hộp gỗ trống không và lấy thêm trong tủ một xấp giấy cầm đồ, rơi nước mắt cá sấu đổ thừa vì thua bạc, bà via tôi đã cầm gởi hết rồi, ông thề thốt sẽ chuộc lại trả tôi, nhưng lời hứa ấy như nước đổ lá môn, ông và tôi chia tay và bặt tin nhau từ đó.
Tiền đám tang bà nhạc mẫu, tôi làm sổ sách đàng hoàng và tính ra tiền điếu được tất cả 503$.

Sau khi tống táng, thầy tôi xét sổ, thấy còn 503$00 - 458$00 = 45$00, nên trả sổ và nói: “Ba cho hai con số tiền dư lại đó”.

Ngoài ra, thầy tôi có cho tôi hay rằng Ba tôi lên chia buồn có cúng số bạc một trăm đồng, tuy nói vậy mà thầy tôi nín luôn không trao số tiền nầy để biên vào sổ phúng.

Sáng ngày, hai tôi đưa Ba tôi lên xe đò về Sốc Trăng, hai tôi ôm một mớ áo quần cũ, một cái ô trầu bằng bạc, kỷ vật của bà nhạc mẫu, từ giã ông via, lên xe đò về Sa Đéc, trong túi còn lối năm chục đồng làm vốn, từ đây tranh đấu với đời, tự bay nhảy bằng cánh của mình, nhứt quyết không nhờ cậy ông nầy nữa.
Đời ấy tiền bạc mắc mỏ và có giá trị vô ngần. Tỷ dụ, tiền vãn phản đi từ Sài Gòn xuống Sa Đéc, đến toà bố lãnh nhiêm vụ mới kế ăn một bữa cơm buổi trưa ngoài nhiệm sở, tôi cũng cố đòi cho được và sau rối, nhà nước phải làm thủ tục cấp cho tôi một ngân phiếu, ngày nay tôi còn cất giữ để làm kỷ niệm đời làm tôi mọi năm xưa. Đó là ngân phiếu số 32.306 đề ngày 5-11-1928 có tất cả năm chữ ký: Denya, khu trưởng phòng nhì ký phái phiếu ngày nói trên 5-11-1928, Friqucgnon, trưởng phòng nhì, ký ưng thuận ngày 13-11-1928, Quên nói, khi lập xong ngân phiếu, phải gởi qua sở kiểm soát ước chi phê nhận, chữ ký ông Morieul và con dấu đề ngày 7-11-1928, xong rồi gởi trình tổng nha ngân khố, xin chữ ký (đọc không được) và rốt hết phải có chữ ký thứ năm của quan coi về đương sự có thiếu nợ chánh phủ hay không, và nhờ sở nầy phê “sans opposition” (không chi ngăn trở, tức không thiếu nợ) tờ ngân phiếu mới hợp lệ rồi còn chờ tôi lãnh tiền, nhưng tôi quyết giữ làm kỷ niệm cho con cháu biết đời công chức cho chánh phủ Pháp là vậy.

Số liền cấp vãn phản đó là Ba cắc bạc (0,30$ - Và cũng là một vậy kỷ niệm giá đáng ngàn vàng là một tờ ngân phiếu khác màu vàng, số 42.165 cấp ngày 7-3-1930 cũng đủ năm chữ ký y một kiểu như trên, giá bạc cấp phát là bốn chiêm Tây (0$04). Đây là tiền công thưởng tôi làm phát ngân viên (agent de paiement) đã chịu khó mỗi tuần đi xe từ toà bố Sa Đéc lên làng Vĩnh Bình, xa độ hai mươi cây số ngàn, phát tiền cho người phu lục lộ coiviệc vớt cỏ lục bình không cho trôi tấp vào chân cột cầu bê-tông. Công làm phát ngân viên cứ phát một ngàn đồng bạc lúc đó thì được ăn thưởng một đồng tiền huê hồng bù trừ sự mất mát; thế mà trọn một năm 1929, công tôi tính được “bốn đồng xu”, các độc giả cứ nhân ra rồi biết tiền công anh phu lục lộ là bao nhiêu. Không kể tiền xăng nhớt và tiền vỏ xe mòn, tiền sốp phơ v.v., hèn chi chánh phủ thời Pháp thuộc có tiếng là chu đáo, làm việc gì cũng đến nơi đến chốn! Ngân phiếu nầy tôi cũng không lãnh. Kể như chu đáo nhứt của chánh phủ đô hộ Pháp là năm 1944, tại Sốc Trăng, trong lúc binh Nhật hoành hành hống hách, anh em chúng tôi buồn quá nên tụ lại nấu một bữa cháo gà để lập đờn ca gọi yêu nghệ thuật, ngờ đâu sáng bữa sau có giấy đòi tôi lại hầu ông cò và ông bắt tôi chịu phạt về tội ban đêm làm mất trật tự (tapage nocturne), vì có người lân cận thưa về tội khuấy rầy. Biên lai số 1897 đề ngày 9-8-1944 (phạt 3$30 tức cinq frances d amende thời đó, cộng với tiền tiêu tiền nghệ khác thành 11 francs như đã ghi trên biên lai. (Viên cò Tolsano phạt tôi, sau chết tại Cà Mau dưới gươm quân phiệt Nhựt năm 1945).

Ba tài liệu nầy tôi xem là rất quý, vì nhắc lại đời nô lệ của tôi.
Vợ chồng đưa nhau về Sa Đéc. Ở nhờ nhà ân nhân dượng và cô Thầy thuốc Phạm Văn Ngỡi suốt mấy tháng mới kiếm được một căn phố xây tổ uyên ương nơi số 106 đường Vĩnh Long, một năm sau, dọn về phố mới Thầy Ký Ngọc ở một đường nhưng gọi số 2 đường Vĩnh Phước, và sát dốc cầu sắt Sa Đéc, ngày nay có dịp đi ngang còn bùi ngùi cảm động. Duy ơn sâu Dì Tư và bác sĩ Ngỡi, nguyện suốt đời không quên. Nay hai ông bà đã mất.

Về Sa Đéc, chân ướt chân ráo, mẹ vợ chết, trong túi không tiền, quan chánh chủ tỉnh chưa biết cử chỉ khả năng mình ra sao, bỗng có giấy hãng xe Laurent Gay đòi tiền mua xe chịu và trả chưa dứt. Cái đó mới chết một cứa Tứ! Thân làm phát ngân viên tại toà bố, chữ Tín là trọng, thế mà hiển hiện có bằng cớ lúc trên Sài Gòn mình đã bội tín, nhứt là đã giựt tiền của Tây, và Tây với Tây cố nhiên vẫn binh vực nhau. Tuy vậy trời xanh có mắt, tôi trình chủ tỉnh bức thơ trả lời cho hãng, xe ông nhạc tôi mua và để tôi đứng tên. Nay tôi bằng lòng cho hãng lấy xe về trừ số nợ thiếu hoặc đòi ông nhạc tôi trả tiền, chớ tôi vốn vô can trong vụ nầy. Hãng ham bán mà không cẩn thận, bán lầm đòi tiền không được thì chịu lấy. Chủ tỉnh chấp nhận lời biện minh của tôi, thế là thoát nạn. Sau rõ lại, khi được thơ tôi, hãng rình một lúc lơ đễnh của anh lài xế, hãng nhảy phóc lên xe lái về ga-ra, dứt khoát. Nhưng ông nhạc vì vụ nầy, mất xe mà không dám cớ không dám đòi, duy thù thằng rể thấu xương. Nay mỗi khi lấy tấm cát chủ xe Fiat bốn chỗ ngồi, li-mu-zinh sáu mã lực, số mã tự kinh C.9032 do chánh văn phòng Renou ký ngày 13-12-1927, không khỏi khúc khích mình cười lấy mình.
Tình duyên của tôi và Tư, đằm thấm như hai chim con vừa thoát ổ mẹ, ríu rít trên nhành, rất tự do, bụng đói mà vui, tuy nghèo mà hạnh phúc...
Ngày 20 tháng 11 Tây năm 1928, gặp cứu tinh và ân nhân là bà Phủ hàm Lê Văn An, nghiệp chủ ở Sốc Trăng. Bà lên Sa Đéc dự tiệc cưới nơi nhà thầy cai tổng Nguyễn Tấn Cao tự Keo. Tôi và Tư cũng có mặt trong tiệc nầy. Chốn tiệc trung ứa lệ, bà cháu nhìn nhau. Tôi còn ghi lời bà nói hôm ấy: “Tao nghĩ tội nghiệp cháu nội tao (Tư) nay côi cút mất mẹ, chớ mẹ nó nếu còn, ngậm ngọc mà nói, tao cũng không màng thằng Tư (tức là tôi), mầy không biết, chớ mẹ nó và ông Kính, lúc trước kiện bà đây tranh gia tài, nay bà còn tính giận. Duy nay thấy vợ chồng bây, bà động lòng thương. Bà lẫn biết ông nội của cháu (tức Sển) và cậu Hương cha của cháu, đều là người nhân đức, nên bà mừng hết đỗi và tán thành cuộc lương duyên của hai cháu đó. Bây rán ăn ở cho có hậu thì bà không bỏ”.

Ngày 6 tháng 5 năm 1931, bà Phủ An từ trần, làm chúc ngôn do một tay tôi viết và ký thác nơi phòng chưởng khế, cho Dương Thị Tuyết và Vương Hồng Sển cùng đứng tên làm chủ 220 ha ruộng tốt trong làng Hoà Tú, và cho riêng cháu gái gọi bà bằng bà nội (kỳ thật là bà cô) của tư trang gồm vô số hột xoàn, cái bâu cổ không cũng đã có ba trăm hai chục hột, bông tai và cà rá; và bạc mặt tám ngàn đồng (tám chục tờ giấy bộ lư). Nhưng than ôi, cũng vì có tiền nhiều, nên nhân tâm biến đổi. Sau mười chín năm từ 1927 đến 1946, vợ chồng ăn ở với nhau như bát nước đầy. Bỗng Tư sanh tâm và ôm cầm sang thuyền khác. Án ly dị đề ngày 7 tháng 7 năm 1958. Thế là hết duyên hết nợ với cô Tư. Nói nữa làm cái, gạt lệ đủ rồi. (Nay ruộng và xoàn, tôi để cho Tư trọn hưởng. Em có biết chăng?).

Thế là hai lần lập hôn thú, một lần nhục nhã vì ham tiền, một lần vượt quyền định đoạt của mẹ cha vì ham sấc, hai lần có hôn thú đều hư.
Qua lần thứ ba, thù người khác mà để người nầy chịu khổ: không làm hôn thú nữa. Thế mà ở đời với nhau cho đến nay, và việc còn dài, không nên nói trước. Xin Năm thứ lỗi cho tôi. Một khi đã có con trai nối dòng, tờ hôn thú vẫn là thừa.

Cho đến nay, nghĩ mình ân ít tội nhiều, nên cũng “bất oán thiên hề mạc vưu nhân”, ai ở xấu, có lương tâm và trên cao danh chứng kiến.
Duy có nước đồng, nước sông mới dấy. Không ơn bà (bà Phủ An) vừa giúp tôi làm sao có sự nghiệp nầy. Biết nhưng làm sao báo đáp.

 

 


16


Cây Có Cội, Nước Có Nguồn


- Có nước đồng, nước sông mới đẫy.

Đến tuổi nầy, tôi đã thấy gần đủ mặt thò lò, bề trái cũng như bề mặt của cái gọi là phước đức hay nhục nhã của cái người đời ai ai cũng muốn: sự sống lâu. Tôi nói sống lâu có phước là khi có con hiền cháu thảo, và đại vô phúc là khi tuổi thọ chất chồng mà bên gối không người thừa tự: Đa phú tất đa ưu. Giàu mà thiếu sự trìu mến của cháu con bên màn, khi tối lửa tắt đèn, khi se da nhức gối, thì không nên giàu và sống lâu làm chi. Tổn hại cho bản thân nữa là khác. Những đứa kế nghiệp, bà con xa, chúng nó không một chút cảm tình, chúng chỉ mong mình sớm nằm xuống để mau ăn của.

“Đa thọ tất đa nhục”. Sống mãi về già ngày càng thấm đòn, càng thúc thủ bất lực nhìn sự đê tiện của dây huyết hệ, sự thối tha bề trái của nhân tình. Thiết nghĩ không nên sống lâu, sống với lời nguyền rủa sau lưng của chắt chít, tốt hơn biết mình già chúng đã trộng, thì nên chia sản nghiệp cho chúng, như vậy mà còn có ơn hơn, để làm chi bề ngoài cung cung kính kính, dạ dạ thưa thưa, bề trong chúng cay đắng chát chua: già mấc toi, khư khư chìa khoá tủ sắt bên lưng. không chết đâu chết phứt. Tiếc của sống hoài, ai hơi đâu chịu nổi!

                                         ***

Bà là người quê ở Vĩnh Long, làng Long Mỹ, tổng Bình Thiềng, nhưng trong khai sanh lại ghi ngày 15-4-1866, sanh tại làng Vĩnh Phước, tổng An Trung (Sa Đéc) tên trong bộ đời là Nguyễn Thị Lâu, nhưng ngoài thế lưu danh Bà Phủ An, với câu đặt để lớp xưa: Nhứt An, nhì Phát, tam Chanh, tư Định.

Có lẽ nhờ ông bà tôi khéo tu nhơn tích đức, nên tôi có được hưởng một phần gia tài của bà, nhưng nội gia sanh biếng sau mười chín năm nồng mặn, cháu gái bà với tôi hết duyên nợ, tôi không dám trách và chỉ nhớ ơn bà mộc bổn thuỷ nguyên, bà và ơn lớn của bà tôi nguyện đến thác không quên.

Ông là người Biên Hoà, quê ở Long Thành xứ Đồng Môn, làng Phước Mỹ, tổng Thành Tuy Thượng, nay còn một ngôi Phật tự che mát ngôi mộ song hồn của ông bà. Ông sớm thông Pháp ngữ, từng làm thông ngôn cho ông Gaslon Doumergue, có lúc làm toà tạp tụng lại Tây Ninh khi về Pháp cho hết vật kỷ niệm cho ông và thời may các vật nầy nay lọt về tay tôi cất giữ. Có dè đâu ông toà tạp tụng một xứ nhỏ như Tây Ninh, bỗng trở nên nguyên thủ nước Pháp, lúc đó gọi là đức giám quốc (nay gọi tổng thống).

Ông mất ngày 18-6-1937 sau khi leo lên tột bực nấc thang danh vọng và nếm đến cạn chén tân khổ năm 1926 khi nền tài chánh Pháp đi đến sát mức kiệt quệ và nhờ ông mà vượng lại được. (Ông sanh ngày 1-8-1863). Bất ngờ bốn món ông để lại đất Nam nầy trở nên quý: một cây đèn dầu lửa bằng sành (mục lục 56) họng có đến hai tim cho thêm sáng và ống khói hiệu Abeille làm giẹp giẹp cho xứng với hai tim; một đĩa bàn (mục lục 57) hiệu Saucy-uomkès, nơi mặt tiền vẽ cảnh lâu đài và đền Château d Azay-le-Rideau ; một đĩa bàn nữa hiệu Nr. (mục lục 58), mặt tiền vẽ hình nàng Charlotte Corday là một nữ anh thư Pháp (1766-1793) dám đâm chết Marat để lên đoạn đầu đài đền tội, trên bức hình đề cây: “Noo Charlotte Corday, 19 Juillet 1793” ; và một đĩa bàn thứ ba, hiệu A-II-J.I (mục lục 58 bis), vẽ hình một người và đề trên đầu hình: “Fouquier-Tinville, accusateur public Noo”. Ông nầy (1746-1795), nguyên là biện lý toà án cách mạng Pháp, đã từng gởi lên gươm máy không biết bao nhiêu anh hùng chết oan, và sau rốt lão cũng lên theo đền tội.

Nhắc lại, bà cùng chồng là ông Phủ hàm Lê Văn An, sau đổi xuống toà án Sốc Trăng rồi tạo lập lại đây một sự nghiệp rất lớn, gồm một toà nhà lầu ngày nay còn kiên cố ngó mặt qua dãy chợ cá của châu thành và đó là toà nhà lầu đầu tiên tại đây xây cất bằng bê-tông cốt sắt. Ngoài toà nhà, ông bà có một sở ruộng tại làng Hoà Tú, ấp Bâng-Xa-mô, rộng đến 1.121 mẫu tây (1121 ha). Bỗng đột ngột ông mất (trước năm 1920), bà can đảm tiếp tục đơn thân quán xuyến khai thác sở ruộng và kinh doanh ngày càng thêm vĩ đại. Bà có phần về cung nô bộc, tôi tớ bạn bè ở trong nhà trên ba mươi người, mà người nào cũng trên ba mươi năm công nghiệp. Một tiếng bà hô là họ vâng lịnh răm rắp. Bà từ trần ngày 6-5-1931, để lại giấy nợ tá canh và mướn trâu làm ruộng, cộng trên mấy trăm ngàn bạc, bà trối dặn đốt hết, và khi mất, để lại một lẫm lúa năm căn đầy óc nhóc và trong tủ sắt một số tiền hết sức lớn thời đó là tám chục ngàn đồng bạc (80.000$00) gồm tám gói cuốn tròn giấy bộ lư, mỗi cuốn là mười ngàn đồng bạc (theo tôi một ngàn thời đó đáng trên mười triệu thời nay).
Nhưng bà giàu mà không có con. Trong mấy tháng bà nằm trên giường bịnh, bà suy gẫm có lẽ bà nhìn nhận tuổi già mà không con nối hậu kể như đại bất hạnh, đó là một cách trời hành tội vì muốn được giàu thì khó tránh không làm điều ác. Cho vay nặng lãi, thiếu nợ không bỏ, cứ kê nể chồng năm nầy qua năm kia là đủ tội rồi.

Trong khi đau ốm, bà khát nước, người canh cho bà ngủ là cháu ruột tín cẩn tên cô Ngọc. Cô mắt nhắm mắt mở, rót cho bà đầy chén, bà nhắp vào miệng vừa kịp phun ra. Đó là rượu chín chục độ! Bà trách mắng. Cô Ngọc khóc, đổ thừa đêm hôm tối tăm chai nước suối Vichy để quá gần chai rượu cồn, nên cô lầm lộn. Thôi cũng bỏ qua cho, kể như là sơ ý. Đến như việc nầy mới cắt nghĩa làm sao? Bác sĩ khuyên ăn lạt, triệt để cữ mặn. Thế mà cô Ngọc, cô Ngà, hai chị em, một khóc hai khóc, năn nỉ ép nài, nấu cháo sò huyết, nấu bánh canh cua, nêm nước mắm hòn, nêm nước trong Tàu, khẩn cầu xin xỏ cho được bà ăn: “Phải có hột cơm hột cháo mới là mau mạnh”. Nếu đó là vì dốt nát cãi lời bác sĩ thì cũng còn châm chế, duy nếu đó là làm cho bà mau chết để mau hưởng gia tài, thì đó thật là sâu độc ác ý không phương tha thứ. Lúc ấy tôi biết mà cũng như thằng câm. Bà thường nói về tôi là “thằng cháu rể xa, quăng mười lăm bã trầu chưa tới”, làm sao bà tin bằng cháu ruột, hai cô Ngọc, Ngà gọi bà bằng cô? Vì vậy tôi á khẩu.

Còn nhớ kỳ lết rồi, bà cho vợ tôi đeo xoàn “đầy mình”, dạy đeo luôn lên Sa Đéc “lòe loẹt ba bữa với người ta”, tôi hay được phân trần với bà và từ chối rằng: “Chúng con nghèo, dẫu đeo của thật, người ta cũng nói của giả; thêm nữa, nếu rủi ro bị trộm, bà có thể tin là chúng con bày mưu đoạt của, hàm oan ấy làm sao biện minh?”. Lúc thấy tôi nhứt quyết không nhận mượn xoàn đeo tạm, bà lưỡng lự không biết tôi thật ngay thẳng, hay là “thằng điếm ba da”, giả đạo đức để sau nầy táp cho lớn miếng! Bà có biết đâu lúc ấy tuy tôi nhỏ tuổi thật, nhưng đã có chút ít kinh nghiệm, chỉ quyết muốn được vợ thuận tình trung trinh chớ có xoàn nhiều chúng cám dỗ, có ngày mất vợ! Mất luôn hột xoàn! Sự nghỉ kỵ của tôi sau mười chín năm sau quả đúng người, nhưng đó là căn số của tôi, trách than vô ích. Bà mất năm 1931, trong lúc đại thái bình, như vậy mà yên thân.

Nếu bà sống được đến năm nay, bà càng thêm vô phúc, vì thấy cuộc đời biến chuyển, bà đâu tiếc sống. Các điền chủ đồng thời với bà nay thảy đều khuất bóng như bà: duy bọn con cháu không đứa nào lầm lỗi, mà thảy đều sạch tay, mà còn chưa hết khổ. Điền Nguyễn Tấn Phát, nhà giàu số 2, sanh con là Nguyễn Tấn Phòng, Nguyễn Tấn Nghị, nối dòng là cháu nội Nguyễn Tấn Lễ. Tấn Quyền, Tấn Lợi, thảy đều rân rát, kỹ sư, cử nhân luật, nhưng cũng phải bỏ ruộng chạy ra chợ sinh sống rồi từ trần, cháu bốn đời nay đều vô sản! Điền bà Hương Chanh, nhà giàu số 3 với con cháu là Trần Đắc Lợi (Chủ Lý), Trần Đức Chương (cậu Ba Chen), Trần Đắc Tuấn, Trần Kế Vĩnh, thảy đều trở nên dân chợ, sống lây lất qua ngày. Bà Tư Định, vô hậu như bà, của cải người dưng ăn. Những điền đất xưa, nay chỉ còn chút danh mà đã quá lu mờ, hoặc cũng không biết ở đâu nữa mà chỉ. Còn lại chăng là trong vùng còn giữ tên, như Kinh xã Phát là do ông Nguyễn Tấn Phát xuất tiền ra đào. Kinh Huyện Phòng (Nguyễn Tấn Phòng) v.v... Kinh xã Nhạn, mới nghe, tưởng là Việt, sự thật ông là người gốc Miên, được người đời truyền tụng gọi là “cù công Nhạn”, cù công dịch là “cửu công” lức là ông cậu. Chết mà sanh tiền ăn ở tốt, dân nhớ đức, chết mà như còn. Bia miệng thơm hơn bia đá.

Bà ôi, sao nói hết được những sự đổi dời, tang điền hoá ra thương hải. Thuở bà còn sanh tiền, lúa giá rẻ mạt mà dân thảy thảy no bụng. Lúa ba đồng ngoài một tạ, gạo tám xu một cắc một lít. Ngày nay lúa bán trên hai chục ngàn đồng mỗi tạ, ruộng làm đến hai mùa ba mùa, nhưng không phải ai ai dễ làm ra hột lúa. Trái lại, thấy dân nghèo chay gạo hàng ngày cũng đú dựng tóc gáy. Tội nghiệp đồng nghìệp tôi là hạng công chức ít tiền.

Một thơ ký tám con, lương ba mươi ngoài ngàn, kéo một bao gạo đã mất hết hai mươi ngoài ngàn, tức ba phần tư của số lương. Tội nghiệp mấy đứa trẻ, không tiền ăn hàng bánh, chúng nhắm ngay ồi cơm mà xúc. Xây qua quay lại một bao chỉ xanh gạo (một trăm ký) mới kéo hôm đầu tháng, chưa hết tháng mà cái bao đã xẹp lép! Ăn cơm chưa no, chúng nhè thuốc tiêu thuốc bổ của mẹ, cất kỹ trong keo, chúng cũng lôi ra nhai tuốt. Không thể tiện cặn, thà mua gạo ngon cơm cho chúng chan nước mắm đỡ tốn đồ ăn, và thực đơn suốt năm nầy qua tháng kia của chúng là rau muống luộc, năm khi mười hoạ mới có hột vịt luộc dầm nước mắm, đối với chúng, bữa ấy là thịnh soạn còn hơn hải vị trân hào.

Một điều khác, bà nghĩ xem: vàng, lúc Ba tôi còn sanh tiền, năm 1919, đưa tôi lên nhập trường Chasseloup, mua về năm chục lượng, giá mỗi lượng năm chục đồng (50$00), lường bán lời mỗi lượng một đồng bạc, cũng dễ thở, ngờ đâu từ năm 1919 đến năm 1925, vàng cứ sụt giá mãi, thét rồi chỉ còn hai chục đồng (20$00) rồi xuống mức cùng là mười chín đồng (19$00) một lượng, khiến Ba tôi sạch vốn. Đến năm 1931 là năm Bà mất, vàng leo thang trở lại mức trung bình xê xích từ năm chục đồng đến sáu chục đồng mỗi lượng, như vậy kể là vừa. Ngờ đâu kế đó, năm 1939, rục rịch có tin binh lính Nhựt đổ bộ Đông Dương, giá vàng vọt lên một trăm đồng (100$00) một lượng. Kể từ đó, vàng lên giá:
- Ngày 19-5-1940: 220$00,
- Ngày 4-7-1940: 330$00,
Nhảy một vọt, mấy năm gần đây, từ mười ngàn đồng (10.000$00) (12- 1968) leo lên hai chục ngàn năm trăm (20.500$00)
(ngày 15-5-1970), rồi năm chục ngàn đồng (50.000$00) (tháng 5 năm 1973) (năm nầy con bán ra mười lượng để sứa nóc nhà), kế đến năm 1975, giá vàng vọi lên 170.000$00 mỗi lượng, thiệt là cao vót tự cổ chí kim. Nhưng đâu phải là ngừng nới đây.

Cháu tường với cảnh đau thương như hiện nay, bà nằm trong mộ mà yên thân hơn, và chính thân cháu cũng không muốn sống
(29-3-1975: ngày giỗ mẹ).

 

 

 

17


Lương Y Lớp Xưa


 Bác sĩ Lalung Bonnaire và bác sĩ Grall.

Tôi quen với Ngân từ lâu. Khi Ngân cưới vợ, con ông cai tổng ở Tân Quy Tây thì tôi làm phát ngân viên ở toà bố, kể như hàng đồng liêu nhỏ tuổi của bố vợ anh ta, lối năm 1940 đến 1943 tôi đổi lên làm thơ ký ở dinh Thống đốc Nam Kỳ thì tôi trở nên đồng liêu của Ngân, đã có mặt tại dinh trước tôi nhiều năm. Sau khi xảy ra cuộc đảo chánh 1945, tôi đã về hưu nhưng ở Sốc Trăng nơi quê cha mẹ không đăng nữa, tôi chạy với một tay xách nhỏ lên Sài Gòn, thì Ngân tiếp tôi tại Bộ Ngoại giao là chỗ anh ta làm việc Và đã thay bực đổi ngôi, tôi không còn làm lớn, không có nhà ở, tức vô gia cư, và bị vợ bỏ, tức vô gia đình. Nhưng tình xưa không đổi Ngân tốt ở chỗ đó, Ngân tiếp tôi niềm nở, dắt tôi đi ăn một bữa cơm nhà hàng sang, bây giờ tôi còn cảm động, và trong lúc tỉ tê tâm sự, Ngân thuật cho tôi nghe một chuyện như sau, và tôi cố viết lại cho y lời anh đã kể, nếu có sơ sót và không y nguyên văn là tại tôi bất tài chứ giọng Ngân hôm ấy đã làm tôi cảm động lắm giọng trầm trầm buồn buồn như giọt nước trong rô-bi-nê chảy ra, và vì vậy, lúc còn làm chung nhau trên ca-bi-nê, tôi thấy y ta có vẻ chệc, nên đặt lén là thằng Ngành (Ngành là tiếng Quảng Đông, dịch ra tiếng việt là Ngân, lức đồng bạc trắng, cũng gọi chơi là ngành sình, ngành sểnh, ngành sình, chung quy là “ngân tiền”!).

Anh biết không, từ đây là lời Ngân nói: “Tôi có một bịnh lạ, thuở nay chưa ai có. Là thỉnh thoáng tôi đau bụng dữ dội và đi tiểu thấy nước tiểu đen thui. Tôi chạy đủ thứ thuốc, Tây, Nam, Chà, Chiệc, Đàn Thổ, đủ mặt thầy, lang Tây lang ta, lang Tàu, thầy ngải Khơ-me mà vẫn không hết. Tôi lên Nam Vang cắn răng cho thầy ngải đốt ba liều nơi lỗ rún, nay còn thẹo. Nhè chỗ ấy là da mỏng, bình thường đụng nhẹ cũng thấy nhói, mà họ đốt anh thấy có chết cha mình không? Họ bảo tôi, đè ngửa xuống ván, lột áo trịch quần tôi ra, rồi lấy vỏ tỏi lót ba chỗ quanh rún, và đặt mỗi chỗ một liều ngải cứu phơi khô, lớn hơn hột tiêu, có lẽ gần bằng đầu bút chì. Đoạn lão thầy ngải đọc thần chú rồi lấy đầu nhang đốt cháy châm từ liều. Tôi quên nói có bốn thằng đàn thổ lực lưỡng đè tay và đè chân tôi, nên tôi không cục cựa chi được hết. Lúc đó tôi chưa cưới vợ và tôi là một thằng ngu, anh vẫn biết và đừng cười, từng tuổi đó, trên hai mươi, mà tôi chưa biết đàn bà là gì chớ đừng nói chi đến bịnh phong tình. Tôi nói mà không mắc cỡ là tôi lúc còn “trinh” và chưa biết cái húm là gì, nếu ai hỏi tôi thì phải đợi tôi cưới vợ rồi mới biết. ấy mà nó đốt rún tôi như đốt người mắc tội có bịnh tiêm la hay là gì khác. Với liều đầu, khi thuốc cứu cháy lớp vỏ tỏi và cháy tới da, mẹ ôi, tôi nghe xèo xèo, một mùi khét thịt khét ngải cứu rất khó chịu bay vô mũi, tôi cố vùng vẫy thật mạnh, mà bốn thằng ác ôn nó đè chặt lên tay chân gần muốn gãy, tôi phải chịu đựng, rồi tới liều thứ nhì. Tôi thấy đủ mặt cha mẹ ông bà ông vải nhưng bốn thằng đàn thổ vẫn không buông, tôi càng la hét nó càng nhấn hết mình nó lên tay chân tôi, mình tôi toát mồ hôi dầm dề, rồi cũng xong liều thứ nhì. Qua liều thứ ba, tôi đã xụi lơ, và tôi chết giấc luôn cho đến khi lão thầy ngải lấy ngón tay đè từ chỗ một cho thiệt tắt. Ấy vậy mà tôi không chết và còn đủ sức gượng dậy, kéo cái quần lên thì cái quần ướt rượt kéo không lên vì tôi đã phóng vừa tiểu vừa đại đầy quần.

Thế mà bịnh vẫn như không và tôi vẫn thỉnh thoảng đau bụng như cũ. Từ đó tôi thù bọn thầy ngải ghê xương và ai nói đến bùa chú ngải nghệ, tôi bỏ đi chỗ khác. Tôi nói thiệt, cho đến chết, từ rày tôi theo thuốc Tây mà thôi.

Nhắc lại căn bịnh của tôi, tôi mang nó lê dài qua ngày tháng. Hôm cưới vợ và gặp anh ở Sa Đéc mới là nguy cho tôi chớ. Đêm tân hôn, tôi cất giấu gói thuốc viên đem theo đề phòng uống cơn nguy cấp, tôi nhét gói thuốc dưới gối rồi phải ra làm phận sự hầu hạ và rót rượu cho quan khách, ngờ đâu vợ tôi ở trong buồng lục lạo bắt được gói thuốc, chị ta khóc cho một mách tường bạc phân vớ nhằm thằng chồng ghiền và khi tôi vô kiếm gói thuốc thì nó ở trong ống nhổ. Phải là chết cha tôi chưa? Tôi không dám nói một lời phản đối, mà cũng may nhờ ông bà phù hộ hay là cưới được con vợ có đít lôm, mừng lòng nên trọn mấy ngày trăng mật không đau bụng phút nào. Rồi vợ tôi sanh con đẻ cái cả bầy, thằng Ngôn (trùng tên với ông đốc phủ ở Phú Lâm xếp của hai đứa mình đó rồi con Nga, thằng Ngươi, vân vân tôi đều lựa tên có chữ “Ng” đứng đầu cho xứng với câu anh nói giỡn năm xưa là một xâu tiền “ngành xĩnh”!

Từ năm anh đổi về Sốc Trăng anh em mình cách biệt, sau đó tôi đau bụng một trận cửu phần tử nhất phần sanh, anh đừng hỏi tôi năm nào, tôi không nhớ, duy biết chắc năm đó nhà thương Chợ Rẫy vẫn còn mang tên Hopitall Lalung Bonnaire và do chính ông nầy làm giám đốc cũng như nhà thương Đồn Đất lúc ấy vẫn do ông bác sĩ Grall bổn thân điều khiển, cả hai ông là hai ông thầy thuốc kỳ cựu có công lớn với bản xứ và để nhớ ơn hai ông Hoa Đà nầy nên đã lấy tên đặt tên cho hai dưỡng đường quan trọng nầy.

Tôi nhớ năm ấy tôi đau một trận kịch liệt, đau hơn lúc nào hết, và vợ tôi thấy nguy quá, uống thuốc nào cũng trơ trơ, nên hoảng kinh chở tuốt tôi vào Chợ Rẫy. Lúc đó thuốc men chưa hoàn bị như bây giờ, các tay danh thủ ở đây đều chay mặt, phần vì vợ tôi nhờ giỏi tiếng Tây, nên khóc lóc nài nỉ ông Lalung Bonnaire thiết tha quá.

Ông cầm lòng không đậu, bèn sai đem tôi ra xe nhà và ông tự lái xe chở thẳng tôi qua nhà thương Đồn Đất. Ông lên thương lượng với vị giám đốc ở đây là bạn già đồng nghiệp hữu Grall, hai người đồng tình cho tôi vào nằm ngay khu bịnh thất dành cho hàng sĩ quan cao cấp nhà binh Tây, vì tôi tuy là thằng “anh đi rền” nhưng làm tại dinh Thống đốc, lại nữa tôi đau một chứng kỳ lạ, cần khám phá có ích cho lương lai y học. Lúc ấy chỉ có nơi nầy có rọi kiếng quang tuyến X., ít ngày sau rõ được đầu dây mối nhợ của chứng bịnh tôi là cái bọng đái (vessie) có một túi nhỏ, khi nào túi nhánh ấy bị chất độc chứa nhiều thì sưng lên và hành đau bụng, và bây giờ tôi mới biết hèn chi có khi tôi uống thuốc Bắc hay ăn nhằm thứ gì không chịu thì tôi đi tiểu ra nước đục đen đen, lại lầm tưởng đó là thuốc thần hiệu nên tống khứ chất độc ra, lại thêm tốn tiền nuôi mập bọn dung y báo đời. Grall và Lalung Bonnaire đều lưỡng lự, vì thuở ấy chưa ai dám mổ hay cắt bớt bọng đái (bàng quang) vì sợ chỗ cắt không lành. Nhưng một cũng liều, hai cũng liều, vợ tôi can đảm làm tờ ưng thuận, khỏi nói lúc ấy tôi đã kể chết nên nghe vợ tôi thuận lại thì tôi gật đầu chấp thuận theo, vì trong trí óc mơ màng nhớ lại vậy chớ hồi bọn Thổ đè mình đốt rún đau thấu mây xanh, lại có mấy hỏi trước xem mình có bằng lòng cùng chẳng? Và tôi nói cho anh Tư (gọi theo thứ tự của vợ trước) biết, tôi là người duy nhứt được hai ông đại danh y Grall và Lalung Bonnaire thân hành giải phẫu, ơn ấy cho đến chết tôi không quên.

Mổ xẻ cắt may xong xuôi rồi, khiêng tôi xuống phòng, ông Lalung Bonnaire về sở, lui cui lo phận sự và nghỉ chưa hết mệt thì ông đã thấy vợ tôi đầu bù tóc rối, níu áo blu-zông của ông, xin cứu mạng cho chồng. Số là dì phước nuôi bịnh thấy tình trạng sức khỏe của tôi nguy kịch quá, đã thú thật và khuyên vợ tôi hãy kíp lo đồ liệm, vợ tôi nóng ruột đánh liều chân thấp chân cao chạy vô kéo áo óng bác sĩ đầy lòng nhân từ Lalung Bonnaire. Lại một phen nữa ông bỏ ăn bỏ ngủ, lấy xe nhà chở vợ tôi trở vô Grall, đến phiên ông níu áo ông nầy và hai người xuồng khu bịnh thất, còn có một phương cứu chữa cầu may là sang máu. Nghiệt nỗi thời đó chưa có ngân hàng máu, lại cũng không thử trước để biết máu tôi thuộc loại O hay mô tê gì. Sẵn có hai ông sân đá gác bịnh, một anh Tây chính cống và một anh cà phê sữa mạt ti nít quai, hỏi chúng chúng tình nguyện hiến máu, bèn cắt mạch máu hai bên tay tôi và nối ống cao su sang máu ngay từ hai thằng Pháp qua một thằng Việt.

Nhờ đó mà tôi thoát chết. Rồi lần lần tôi đi đến khỏe khỏe và chờ ngày bình phục. Thiệt là ơn cải tử hoàn sanh. Một bữa trưa chúa nhựt, vắng im trong phòng, tôi tập nói như đứa con nít lên ba và mấy tiếng nói đầu tiên của tôi là để tỏ lòng tri ân của tôi đối với hai anh bạn khác màu da và khác quốc tịch. Anh lính chà đáp. Nói vậy mầy hết chết rồi hả? Ơn với nghĩa làm gì. Đ.m! Hai đứa tao nào có biết mầy là ai? Cái tục lệ nhà binh, ai nằm phòng nầy là sĩ quan cao cấp, hai tao bị chỉ định phụng sự mầy thì chỉ biết phụng sự chớ nào có việc ơn với nghĩa. Lại nữa, mấy tuần nay, mấy bỏ cơm bỏ cháo, phần rượu chát sắp đôi của mầy, chúng tao nốc trọn, nếu kể về ơn nghĩa thì chúng tao thọ ơn mầy chớ mầy lào thọ ơn chúng tao. Thôi, để tính vầy cho gọn, nay mầy đã thấy khá, vậy thì ráng giữ thân đừng nhõng nhẽo, đừng làm gì bậy bạ, hãy ngủ yên cho sớm để mai nầy quan thầy lại viếng bịnh nếu mầy không có nóng lên độ, đó là mày trả ơn chúng tao rồi đó. Chúng tao cho mầy biết, tụi tao nục quá rồi.

Sau khi ra nhà thương, được giấy phép cho nghỉ hai mươi chín ngày, việc làm đầu tiên của vợ chồng tôi là mua chút ít lễ vật, nho cam, và vợ tôi trích trong của hồi môn một đôi vàng chạm chưa tới một lượng, hai tôi vào nhà ông Lalung Bonnaire. Ông mừng rỡ bắt tay thân mật và hỏi thăm tình trạng sức khỏe lãng xăng. Chủng tôi nài nỉ xin ông nhận chút lễ thành là một cách chúng tôi tỏ lòng ghì ân tái tạo, nhưng nói cách mấy ông cũng một hai từ chối. Vợ tôi nải mãi, bỗng ông cười xoà mà rằng; “Tôi đã có một cách giải quyết vụ rắc rối nầy. Số là tôi sẽ về hưu nay mai. Vậy thì tôi để lại địa chỉ lại cho vợ chồng thầy. Nếu thầy y thật không quên ơn tôi thì thầy nhớ thỉnh thoảng đôi ba tháng viết cho tôi ít chữ cho tôi biết tình trạng sức khỏe của thầy sau cuộc giải phẫu thành công mà kết quả không do tôi mà do sự mát tay của đồng nghiệp hữu kỳ tài Grall của tôi đó. Vợ chồng thầy là người có học chương trình Pháp, ắt hiểu rằng bọn đệ tử của thần Esculape là chúng tôi, có lời thề phải vị tha và không được nhận của cho. Hãy cất đôi vàng đi. Nhưng để thông cảm và khỏi mất lòng nhau, tôi đề nghị bà Ngân hãy ôm mớ trái cây xuống trại bịnh lao mà tặng cho họ, có lẽ họ cám ơn bà hơn là bà đem cho mấy thằng đồng bịnh thất của chồng bà trong mấy tuần qua, bọn chúng chỉ biết có rượu và gái mà thôi. À nầy! Tôi sắp quên! Thằng con út của tôi vừa bốn tuổi đòi chèo chẹo bảo mẹ nó mua cho nó vịt con để chơi. Như thầy quyết đã muốn đền ơn tôi, vậy thầy ra ngay chợ bán gà, mua cho tôi sáu con vịt ra ràn, đừng lựa vịt lớn, hãy tìm những con còn lông măng màu vàng lườm, nó càng la lớn càng tốt, vì thằng con tôi thích nghe tiếng chim kêu và vịt la như vậy. Thôi từ giã, rán giữ gìn sức khỏe: Chúng ta gặp nhau chưa phải là lần chót”.

Nói đến đây, Ngân gạt tàn thuốc, hai tôi chia tay và không gặp nhau nữa. Sau nầy tôi nghe tin Ngân đã định cư từ lâu bên Pháp quốc, sống an nhàn với con và cháu để tiện theo dõi chúng học hành. Gia đình bên bà Ngân có người chết oan trong cuộc chiến tranh chưa dứt nầy. Tôi không trách làm như vậy xem tuồng vong bổn, và nếu thảy thảy đều như thế thì còn chi nước Việt về sau.

Cơm nhà nợ nước, không phải quê hương đem theo được dưới gót giày, câu nầy không phải của tôi và tôi đã phạm tội nhại một danh ngôn Pháp rồi đó!